"Kỳ nhân" săn gấu
Khi trời còn lạnh rát mặt, các đầu ngón tay như kim châm nhưng chúng tôi cũng không thể cưỡng nổi lời mời của một người bạn lên dãy "Tản Viên" tìm hiểu về phong tục tập quán, đặc biệt là thăm bản người Dao "mang thiên mệnh chiến binh".
Những câu chuyện "gấu tát, hổ vồ" hay những dũng sĩ một mình đương đầu với chúa tể sơn lâm tưởng chừng chỉ có ở miền biên viễn xa xôi, hay đó chỉ là những câu chuyện truyền thuyết lưu lại trong dân gian. Thế nhưng, ở đó cha ông họ đã từng làm nên những cuộc đi săn huyền thoại, một mình đương đầu với loài chúa tể của rừng già là chuyện không hề hiếm.
|
Dù không còn săn bắn nhưng người Dao ở đây vẫn làm nỏ, và sử dụng như một bản năng tự vệ. |
Bản Hợp Nhất nằm nép mình dưới chân dãy núi thiêng "Tản Viên", nơi được mệnh danh là núi tổ của toàn bộ mạch núi trên nước Nam ta. Ở nơi rừng xanh, mây mù ấy còn chứa đựng trong mình những phong tục kỳ bí, hoang sơ và cả những câu chuyện "có một không hai".
Tất cả đã tạo nên cho vùng đất này một sự hấp dẫn kỳ lạ. Với 100% dân số là đồng bao dân tộc Dao, bản Hợp Nhất là bản người Dao duy nhất còn sót lại ở Hà Nội.
Nơi đây sản sinh và nuôi dưỡng rất nhiều "kỳ nhân" săn hổ, báo, góp phần làm nên những cuộc đi săn mà cho đến ngày nay, nó vẫn còn là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của con cháu. Chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với những "kỳ nhân" bằng xương bằng thịt mới thấy đây là mảnh đất của những câu chuyện ly kỳ.
Trong căn nhà ba gian nằm lọt thỏm giữa núi rừng, "kỳ nhân" Dương Đức Tiến dù tuổi cao nhưng còn quắc thước, vạm vỡ như cây lim cây sến trên rừng. Đặc biệt, giọng nói của ông Tiến vang, hào sảng khiến người ngồi đối diện có cảm giác an toàn.
Nhắc đến những câu chuyện đi săn trước đây, mắt ông như sáng bừng lên, ông bắt đầu say sưa kể cho chúng tôi những lần đi săn đáng nhớ của đời mình. Ngày đó, nơi đây vẫn còn hoang sơ, dân cư còn sống thưa nhau, nhà này cách nhà kia cả vài ba quả đồi, đi cả ngày mới đến thăm được nhà nhau.
Cả xã là một cánh rừng rậm rạp, bạt ngàn một màu xanh. Chim chóc, muông thú vẫn còn chạy thành đàn, nhởn nhơ trêu người. Các loại thú dữ như: Hổ, báo, gấu vào nhà dân quấy nhiễu là chuyện quá đỗi bình thường. Khoảng giữa tháng 8 - 1991, khi những nương lúa, vạt ngô đã tới mùa thu hoạch. Lúc này, nỗi ám ảnh nhất của bà con là thú dữ vào phá hoại.
Gia đình ông Tiến cũng không là ngoại lệ, bốn sào ngô trên nương, nằm sâu trong rừng cũng đang bị thú dữ hoành hành. Để không cho thú dữ vào phá, gia đình ông thường xuyên cắt cử ở trên chiếc chòi dựng giữa rừng canh gác.
Đó là một đêm trăng sáng vằng vặc, ông Tiến đang nằm trên chòi lơ mơ chìm vào giấc ngủ, thì bất ngờ tiếng động lạ, kèm theo là tiếng gầm gừ phát ra từ ruộng ngô xanh non nhất. Tiếng động đó ngày một nhiều hơn, gần hơn khiến ông choàng tỉnh giấc.
Từ phía chòi nhìn ra, dưới ánh trăng sáng là một bóng đen to lớn lù lù xuất hiện, đôi mắt sáng quắc như đèn pha lấp ló sau những bụi ngô. Với kinh nghiệm dày dặn, từng đi rừng săn bắn, ông Tiến nhận định đây là một con gấu đen trưởng thành.
Biết mình không thể địch lại được con gấu to lớn, ông Tiến lặng lẽ trở về nhà, để bàn bạc với những người con lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị cho một cuộc vây bắt đầy mạo hiểm.
|
Ông Tiến hào hứng kể về những "kỳ nhân" của bản làng. |
Cha con ông Tiến mang theo đồ nghề, cùng nhau lên nương ngô để phục kích, vây bắt con thú dữ. Ông Tiến là người dẫn đầu và luôn miệng dặn dò các con phải đặt sự an toàn lên hàng đầu.
Lần theo vết cây ngô bị đổ, khoảng 1 tiếng đồng hồ con ông Tiến vẫn không tìm thấy con thú dữ ấy. Tưởng chừng cuộc đi săn đã thất bại, thì bất ngờ phía bụi rậm ngay trước mặt ông Tiến phát ra tiếng động. Một bóng đen lớn lù lù tiến thẳng đến phía mọi người.
Mọi tình huống đều đã được ông Tiến dự liệu sẵn, mọi người nằm im chờ đợi con gấu đi sâu vào vòng vây. Con gấu đang say sưa ăn những bắp ngô non nhưng không thể ngờ mình đã rơi vào tầm ngắm của những thợ săn cự phách.
Từ nhiều phía, cha con ông Tiến dần thu hẹp khoảng cách với con gấu. Khi vòng vây đã được khép chặt, mục tiêu chỉ còn cách khỏang 10 mét, tất cả súng đã được lên nòng… tiếng nổ xé toang màn đêm tĩnh mịch hướng về con gấu. Con thú hung dữ chỉ kịp gầm lên một tiếng rồi đổ xuống như cây chuối.
Để chắc chắn, ông Tiến còn bồi thêm một mũi tên tẩm thuốc độc khiến con gấu không còn cơ hội chống trả. "Thực sự là khi ấy cha con tôi rất vui mừng vì hạ được con thú dữ. Chính chúng là thủ phạm gây ra hàng loạt những lần phá hoại ruộng nương của bà con quanh vùng. Không những vậy nó còn là nỗi khiếp sợ của những người đi nương, đi rẫy, nếu gấu phát hiện ra người thì không biết hậu quả sẽ thế nào" - Ông Tiến kể.
Chiến tích hạ gấu của cha con ông Tiến đến bây giờ vẫn được người dân nhắc đến. Họ coi đó là một minh chứng cho lòng quả cảm của người dân tộc Dao.
Những cuộc đi săn trở thành huyền thoại
Kể hết những câu chuyện của mình, ông Tiến bắt đầu kể cho chúng tôi những câu chuyện của cha ông. Ông bảo, đó là những câu chuyện được người Dao truyền lại cho nhau như một niềm tự hào.
Ông cười hiền hậu: "Cuộc đi săn của cha con tôi chưa là gì so với những "kỳ nhân" đã khuất núi. Họ mới thực sự là những anh hùng, giữ gìn sự bình yên cho làng bản. Như cụ Dương Hữu Vượng, Dương Đức Linh, Triệu Tài Lạng… toàn là những "kỳ nhân" của người Dao chúng tôi đó".
Câu chuyện săn hổ của cụ Triệu Tài Lạng đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng ông Tiến còn nhớ như in và kể lại vanh vách. Những năm 50 của thế kỷ trước, trong một cuộc đi săn nơi rừng sâu, khi cụ Lạng truy đuổi một con lợn rừng thì đột nhiên phát hiện vết chân to như bát tô của chúa tể sơn lâm.
Thông thường, với những thợ săn khác sẽ nhụt chí, rút lui để đảm bảo an toàn tính mạng, nhưng với cụ Lạng thì khác. Khi ấy cụ Lạng là người nổi tiếng liều lĩnh và rất khỏe, vì thế không có lý do gì khiến cụ phải nhụt chí cả.
Cụ quyết tâm lần theo dấu chân, săn đuổi cho bằng được con hổ. Dường như con hổ cũng đã biết có người đang theo mình, nó thường xuyên gầm lên hung tợn nhằm hăm dọa người thợ săn. Cứ như vậy, sau khoảng một tuần theo dấu chân, đến một con suối nhỏ ở giữa rừng thì dấu chân biến mất.
Với bản lĩnh, kinh nghiệm săn bắn của mình cụ Lạng đã tìm ra một lối rất nhỏ, cây cỏ bị dập gẫy. Cụ Lạng cho rằng, đây là lối đi của con hổ, hang ổ của chúng chỉ quanh quẩn đâu đó. Tiếp tục đi theo thì cụ giật mình phát hiện một cửa hang, với những vết chân, lối mòn đen bóng. Cụ Lạng tìm một địa điểm an toàn để nghĩ kế dụ con hổ ra khỏi hang.
Trong hành lý đi săn của mình, cụ Lạng nhận thấy vẫn còn một miếng thịt lợn vốn là lương thực mang theo. Cụ quyết định lấy miếng thịt đó, thui chín, sực mùi thơm rồi mang tới đặt trước cửa hang. Mùi thơm của thịt nhanh chóng xuôi theo gió ùa vào hang.
Chỉ vài phút sau, con hổ đói mồi đã mò ra khỏi hang. Chỉ trong nháy mắt, con hổ đã ăn hết miếng thịt thơm, nhưng nó đâu biết miếng thịt đó đã được cụ Lạng tẩm thuốc mê. Quan sát thấy con hổ đã lịm dần, cụ Lạng xuất hiện và tiến lại gần.
Bất thình lình con thú dữ đã vùng dậy, đưa đôi mắt đỏ ngàu hướng về người thợ săn. Con hổ lao tới tát những đòn chí mạng lên cụ Lạng. Cụ nhanh như cắt lăn về một bên để né đòn, con hồ càng hung tợn tiếp tục lao tới.
Khi con hổ nhún người phi thân về phía cụ Lạng để ra đòn vồ cuối cùng thì dính ngay một đạn vào đúng hầu. Dính đạn đúng chỗ hiểm, con hổ to lớn đã đổ gục trước mặt người thợ săn khiến cả một vùng trời rung chuyển, chim chóc bay hoảng loạn.
|
Núi Tản Viên luôn ẩn chứa những câu chuyện vô cùng đặc biệt. |
Bên cạnh cụ Lạng còn có cụ Dương Hữu Vượng, một trong số ít người từng hạ được tới 5 -6 con gấu lớn. Câu chuyện một mình chiến tay đôi giữa cụ Vượng và con gấu trưởng thành khổng lồ giữa rừng sâu vẫn được người dân từ già tới trẻ thuộc làu làu.
Dù những loài thú dữ gần như đã không còn ở mảnh đất Ba Vì nhưng đồng bào dân tộc Dao vẫn giữ cho mình một thói quen là chế tạo và sử dụng nỏ. Nó như một bản năng tự vệ, phẩm chất chiến binh của những người Dao nơi đây.
Ông Tiến tiễn chúng tôi ra bìa rừng vui vẻ nói: "Bây giờ ở đây tuyệt nhiên không có ai đi sắn bắn thú hoang dã nữa. Cũng tùy theo từng thời kỳ thôi, khi ấy chúng tôi săn bắn phần vì tự bảo vệ mình, bảo vệ bà con và ruộng nương.
Theo Quang Ngọc/CSTC