Trong những ngày cuối năm 2024, khu vực Nam Bộ tiếp tục se lạnh bởi ảnh hưởng từ không khí lạnh. Ngày 30/12, khu vực có mưa trái mùa với diện rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như sét, gió giật mạnh, không thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời và các phương tiện tham gia giao thông.
Mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện lên chậm. Đến ngày 30/12/2024, mực nước đỉnh triều cao nhất ngày có khả năng lên ở mức xấp xỉ hoặc trên báo động I.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 30/12/2024 đến 4/1/2025, khu vực ven biển Đông Nam Bộ sẽ xuất hiện đợt triều cường, mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu trong giai đoạn này có thể đạt 4,1m trong khoảng từ ngày 2-3/1/2025. Các vùng trũng, thấp, ven sông và vùng ngoài đê bao khu vực ven biển phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng.
|
Ảnh minh hoạ/ĐCSVN |
Trong 5 ngày tiếp theo, mực nước cao nhất ngày tại các trạm sẽ tiếp tục xuống. Mực nước đỉnh triều tuần tới ở mức cao, có khả năng gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp và ven sông, ảnh hưởng đến các hoạt động, đời sống kinh tế - xã hội trên khu vực TPHCM.
Các chuyên gia thủy văn lưu ý, triều cường cao sẽ làm chậm quá trình thoát lũ trên sông phía Đông Nam Bộ. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, ven sông, vùng ngoài đê bao phía Đông Nam Bộ có khả năng ngập úng vào sáng sớm và đầu giờ chiều.
Ngoài ra, từ tháng 1/2025 đến tháng 3/2025, tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ khả năng xuất hiện 4 đợt triều cường; đợt 1 từ ngày 13-16/1, đợt 2 từ ngày 29/1-5/2, đợt 3 từ ngày 28/2- 5/3 và đợt 4 từ ngày 29/3-3/4.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường lớn gây ngập úng, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho chính quyền, nhân dân. Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng triển khai biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp; thông báo cho chủ phương tiện vận tải thủy để chủ động biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tuyến đường gần trạm Metro Suối Tiên ngập nặng: