Đốt rác gây cháy rừng ở Hà Tĩnh gánh hình phạt gì?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng, với việc gây hậu làm cháy rừng phòng hộ thì đối tượng Thành đã có dấu hiệu phạm tội Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.

Thông tin mới nhất vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn 7 (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) Công an huyện Nghi Xuân đã tạm giữ đối tượng Phan Đình Thành (SN 1973), trú tại địa chỉ trên.
Tại cơ quan điều tra, Phan Đình Thành khai nhận vào sáng 28/6, Thành đi mua đồ ăn và mua một chiếc bật lửa ga để hút thuốc. Trưa cùng ngày, Thành ra vườn, gom rác trong vườn lại khu vực cuối vườn rồi dùng bật lửa để đốt rác. Do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Thành đã dùng xô múc nước để dập lửa nhưng không dập được nên Thành gọi mọi người đến giúp đỡ.
Dot rac gay chay rung o Ha Tinh ganh hinh phat gi?
Hình ảnh vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh. 
Tuy nhiên, lúc này, lửa đã cháy mạnh và lan từ vườn nhà Thành sang khu vực rừng thông phía sau nhà Thành. Hậu quả, vụ cháy bắt đầu từ khu vực phòng hộ thôn 7, xã Xuân Hồng lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ thuộc một số thôn khác của xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc Thị trấn Xuân An.
Công an Nghi Xuân đang củng cố hồ sơ, tài liệu, để tiến hành khởi tố đối vụ án, khởi tố đối tượng nghiêm minh trước pháp luật.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, xét hành vi của đối tượng Phan Đình Thành đã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng khi đốt lửa, sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô vào mùa hanh khô.
“Những ngày gần đây, thời tiết tại khu vực Miền Bắc Trung bộ đang vào những tháng cao điểm mùa hè 2019. Nắng nóng làm cho lá cây, cỏ, thảm thực vật…tại các khu rừng trở nên khô hanh và rất dễ cháy, đặc biệt là các khu dân cư sống bên cạnh cửa rừng thì nguy cơ cháy là rất cao.
Chỉ cần có hành động bất cẩn của con người do không thực hiện đúng các quy định về phòng cháy thì nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại các khu vực này. Tình trạng đốt cỏ, đốt rác bừa bãi, hút thuốc lá bừa bãi đang diễn ra khá phổ biến, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Từ đó, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, với việc gây hậu làm cháy rừng phòng hộ thôn 7, xã Xuân Hồng lan rộng ra khu vực rừng phòng hộ thuộc một số thôn khác của xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc Thị trấn Xuân An thì đối tượng Thành đã có dấu hiệu phạm tội Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật hình sự.
Dot rac gay chay rung o Ha Tinh ganh hinh phat gi?-Hinh-2
 Đối tượng Thành tại cơ quan điều tra.
“Tính đến thời điểm hiện nay chưa có thông báo người bị thiệt mạng cho cháy gây ra. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý đối tượng, các cơ quan tố tụng phải định giá tài sản giá trị thiệt hại do cháy rừng gây ra. Kết quả định giá tài sản sẽ là căn cứ xử lý tương ứng đối tượng theo quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng nhận định, nếu giá trị thiệt hại được định giá từ 1.500.000.0000 đồng trở lên thì đối tượng phải đối mặt theo điểm c, khoản 3 Điều 313 BLHS với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 12 năm. Ngoài ra, đối tượng còn phải có trách nhiệm bồi thường các chi phí liên quan đến việc chữa cháy cho Nguyên đơn dân sự là Cơ quan PCCC.
Theo Luật Lâm nghiệp 2017, Điều 39 về Phòng cháy và chữa cháy rừng cũng quy định trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc phòng và chữa cháy rừng, cụ thể:
1. Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng.
3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động trong rừng, xây dựng công trình ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy; thực hiện biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng.
4. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời.
5. Trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp, việc chữa cháy rừng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
6. Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hải Ninh