Dự án bô xít Tây Nguyên: Lỗ theo kế hoạch là bình thường!?

Google News

(Kiến Thức) - GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng: Không thể chấp nhận khái niệm “lỗ kế hoạch” trong dự án bô xít Tây Nguyên, đây là từ dùng trong thời bao cấp. 

Du an bo xit Tay Nguyen: Lo theo ke hoach la binh thuong!?
 
Vừa qua, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) chính thức phản hồi về một số nội dung liên quan đến các dự án bô xít Tây Nguyên, được đưa ra tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bô xit Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức. Vụ Công nghiệp nặng khẳng định, “Dự án Tân Rai và Nhân Cơ lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là chuyện bình thường”.
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng: Không thể chấp nhận khái niệm “lỗ kế hoạch”, đây là từ dùng trong thời bao cấp. Dù là công trình dự án của Nhà nước thì đều lấy tiền của dân nên không phải lỗ thế nào cũng được. Về cảm quan, trên thế giới không có nước nào làm dự án alumin. Úc có dự án hàng triệu USD cũng phải bỏ vì thấy không có lợi, cái lợi đó không có thực, mà cái thực nhìn thấy ngay là sự tàn phá thiên nhiên, không gì có thể cứu vãn đến một ngày con người phải nếm trải sự “giận dữ” của thiên nhiên.
GS.TSKH Lê Huy Bá chứng minh: “Tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng về các dự án này, quan trọng nhất nhà chức trách cần nhìn thấy tác động xấu tới môi trường đất, nước bị hủy hoại nghiêm trọng khi triển khai dự án, nguy cơ phá nát mặt bằng, khả năng hoàn thổ không thể, mặt bằng sau khi khai thác không còn khả năng sử dụng canh tác trồng trọt. 
Phải sử dụng một lượng nước khổng lồ hàng nghìn mét khối phục vụ sản xuất, mùa khô phải khai thác nước ngầm, trong khi nguồn nước ngầm địa bàn Tây nguyên đang rất cạn kiệt, không đủ phục vụ trồng trọt, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, những hồ chứa chất thải bùn đỏ có độ cao tới hàng trăm mét, độ an toàn không bao giờ tuyệt đối, nếu vỡ đập thì bùn đỏ tràn xuống hạ lưu, hậu quả tiêu diệt cây cối, môi trường sinh vật. 
Về mặt kinh tế, alumin tinh luyện phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc, lạc hậu, làm phép tính đơn giản cho thấy giá trị kinh tế 7 tấn nhôm = 1 tấn cà phê. PGS.TS Nguyễn Xuân Nguyên (Viện Khoa học Việt Nam) từng có tính toán rất cụ thể: Để sản xuất ra 1 tấn alumin, sẽ phải chế biến 2,3 - 2,5 tấn bauxite, sử dụng 95 - 100kg xút (NAOH), 800 - 1.000kWh điện, 95kg dầu nhiên liệu... chúng ta phải đối đầu với lượng quặng thải (bùn đỏ) khoảng 1,3 - 1,5 tấn/tấn alumin. Con số bùn đỏ sẽ khoảng gần 1 triệu tấn/năm. Bùn này có độ pH rất cao 13 - 13,2 (do sử dụng xút để chế biến bauxite) nguy cơ chính gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. 
“Một dự án cái lợi không có thật, cái lỗ sẽ không còn là “lỗ kế hoạch theo dự kiến” mà sẽ đến lúc trở thành lỗ nặng về tài nguyên môi trường”, GS.TSKH Lê Huy Bá nhấn mạnh.
Quỳnh Hương