Dự án điện gió Gia Lai sử dụng lao động nước ngoài không phép: Trách nhiệm chủ đầu tư?

Google News

Sở LĐ,TB&XH Gia Lai vừa kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp lao động nước ngoài làm việc tại các dự án điện gió nhưng chưa được cấp phép của cơ quan chức năng. Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án này thế nào?

Mới đây, Sở LĐ,TB&XH Gia Lai đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều trường hợp lao động người nước ngoài làm việc tại các dự án điện gió trên địa bàn chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.
Cụ thể, tại các dự án nhà máy điện gió có 204 lao động nước ngoài đang trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài nhưng chủ đầu tư đã sử dụng lao động; 94 lao động chưa làm các thủ tục liên quan đến việc sử dụng lao động nước ngoài theo quy định.
Đánh giá của Sở LĐ,TB&XH Gia Lai, một số doanh nghiệp, đơn vị, nhà thầu chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quản lý lao động nước ngoài; chưa báo cáo, giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài cũng như thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động nước ngoài theo đúng quy định…
Du an dien gio Gia Lai su dung lao dong nuoc ngoai khong phep: Trach nhiem chu dau tu?
Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được thi công. Ảnh: CAND
Trên cơ sở kiểm tra, Sở đã tổng hợp và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, theo quy định của Bộ luật Lao động, việc người lao động nước ngoài đến Việt Nam lao động phần lớn phải có giấy phép lao động.
Người lao động nước ngoài có hành vi làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động) sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài mà không có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đến 90 triệu nếu vi phạm từ 1 người đến 10 người; 90 triệu đến 120 triệu nếu vi phạm từ 11 người đến 20 người và 120 triệu đến 150 triệu nếu vi phạm từ 21 người trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cùng với việc áp dụng hình thức xử phạt nêu trên, các cơ quan chức năng cung cần xem xét liệu có yếu tố vi phạm về việc tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép ở Việt Nam hay không để tiến hành xử lý nghiêm khắc.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo các điều, khoản sau đây của Bộ luật Lao động:
Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Điều 157 của Bộ luật Lao động và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo khoản 1, 2 và 9 Điều 154 của Bộ luật Lao động.
Tuyển dụng, giới thiệu, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân nước ngoài) theo khoản 3 Điều 150 của Bộ luật Lao động.
Đối với các loại giấy tờ như văn bản chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài, văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động và giấy phép lao động đã được cấp, cấp lại theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn.
Trường hợp hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được ký kết và đang còn hiệu lực trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi giấy phép lao động đã được cấp theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP hết thời hạn.
Nghị định 152/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2021 và thay thế Nghị định 11/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP.
Theo luật sư Cường, lao động nước ngoài trái phép ở Việt Nam có thể bị phạt đến 100.000.000 đồng. Hành vi nhập cảnh trái phép cũng sẽ bị xử phạt hành chính, đối với người tổ chức môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ các hành vi vi phạm về nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép, lao động trái phép và tổ chức môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép để áp dụng các chế tài hành chính và hình sự cho những người vi phạm. (Những người tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép ở lại Việt Nam trái phép thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với người nước ngoài lao động trái phép tại Việt Nam để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn lao động và phòng chống COVID- 19 hiệu quả.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ đoạn mới đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh