Dự án đội vốn 36 lần ở Ninh Bình: Thứ trưởng Bộ KHĐT nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo chi tiết về quá trình triển khai thực hiện dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê bị đội vốn "khủng".

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/6, PV nêu câu hỏi: “Vừa qua dư luận rất băn khoăn về câu chuyện dự án Sào Khê ở Ninh Bình tăng 36 lần tổng vốn đầu tư. Trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu cũng đề nghị thanh tra dự án để rõ ràng, công khai, minh bạch. Xin hỏi đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận như thế nào về việc tăng 36 lần như thế? Bộ có dự kiến thanh tra để minh bạch hay không?”.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, dự án này trong thời gian vừa qua cũng đã được diễn đàn Quốc hội nêu cũng như đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn thông tin liên quan đến nội dung tăng tổng vốn đầu tư của dự án lên 36 lần.
 Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng đến nay vẫn dở dang. Ảnh: NLĐ.
“Chúng ta đều biết quá trình triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là những dự án kéo dài thời gian thực hiện thì cũng bị tăng tổng vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân. Đối với dự án này, nguyên nhân là do thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như quy mô của dự án. Quá trình thực hiện kéo dài rất lâu và trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra như thanh tra Bộ Tài chính (2005), Thanh tra Chính phủ (2012), Kiểm toán Nhà nước (2017)”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan đầu mối.
“Chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về quá trình triển khai dự án này cũng như quá trình thực hiện. Trên cơ sở báo cáo chi tiết đó, chúng tôi xem xét có cần thiết phải thanh tra, kiểm tra một cách cụ thể, chi tiết hay không để có kiến nghị phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình khi tranh luận với đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã nói rằng: "Nếu nhìn con số 72 tỷ lên 2.600 tỷ thì có lẽ người dân sẽ băn khoăn về công tác quản lý mà để xảy ra như thế. Nhưng không phải tất cả các dự án điều chỉnh vốn đều sai và có gì đó mờ ám".
Đại biểu Bùi Văn Phương lý giải: Dự án này bắt đầu đầu tư năm 2001, mục tiêu ban đầu là nạo vét để phục vụ nông nghiệp. Nhưng vì dòng sông Sào Khê chảy qua khu vực cố đô Hoa Lư, bến sông Sào Khê ngày xưa là nơi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long. Và nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước đã đầu tư để tôn tạo cố đô Hoa Lư. Bên cạnh đó, sông Sào Khê chảy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình, là vùng trọng điểm du lịch nên dự án được điều chỉnh với 4 mục tiêu: phục vụ nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng để Tràng An được công nhận di sản thế giới và phục vụ cho giao thông thủy, du lịch.
“Trong 2.600 tỷ chỉ có 1.400 tỷ từ ngân sách nhà nước, còn lại từ doanh nghiệp và các nguồn khác. Điều chỉnh dự án đã góp phần có được Ninh Bình hôm nay, có được di tích Hoa Lư được tôn tạo, có được di sản Tràng An được cả thế giới nhắc đến. Chúng tôi nghĩ dự án này là phù hợp", ông Bùi Văn Phương nói.
Tuy nhiên, tranh luận với đại biểu Phương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc dự án Sào Khê đội vốn đến 36 lần là trái ngược với hoàn cảnh Ninh Bình là địa phương có số nợ đọng lớn đến 5.900 tỷ đồng.
"Quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả, khi dự án kéo dài như vậy chưa nói tới tham nhũng thì hiệu quả đã không có, sẽ tác động ngược lại nền kinh tế, tạo gánh nặng cho ngân sách. Tôi đề nghị tốt nhất cứ thanh tra, từ đây sẽ đến kết luận đâu là khách quan đâu là chủ quan. Chỉ có thanh tra thì các đồng chí Ninh Bình mới hết băn khoăn thắc mắc và cử tri mới thỏa mãn, hài lòng", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Hải Ninh