Ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết như vậy khi trao đổi với PV về tình trạng mưa kéo dài trong nhiều ngày qua.
Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trong đêm qua và sáng nay (từ 19 giờ ngày 11.7 đến 7 giờ ngày 12.7) ở các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa, mưa vừa, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa to, một số nơi mưa rất to như Pha Đin (Điện Biên) 69mm, Phố Ràng (Lào Cai) 79mm, Yên Bái 138mm,…
|
Lữ đoàn 82 sửa chữa kênh dẫn nước. Ảnh: báo Điện Biên |
Trong nhiều ngày tới, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông nhiều nơi, các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; thời gian mưa tập trung vào đêm và sáng sớm.
Lo ngại về tình trạng này, ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết: Thời tiết đang rất bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nắng nóng ít, mưa kéo dài, đầu tháng 6 nắng nóng diễn ra trên diện rộng, nhiều vùng đạt kỷ lục về mức độ nắng nóng.
Tiếp sau đó là những đợt mưa kéo dài triền miên. Đợt mưa đã kéo dài 20 ngày qua cũng là đợt mưa dài ngày nhất trong nhiều năm qua. Đợt mưa kéo dài là do rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ hoạt động mạnh và duy trì lâu. Ngoài ra kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh khiến mưa diễn ra liên tục và tập trùng ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Hà Giang, Điện Biên Lai Châu”.
Lý giải thêm về hiện tượng mưa kéo dài trong nhiều ngày, ông Hải cho biết do biến đổi khí hậu khiến mực nước biển ở Thái Bình Dương biến đổi thất thường, khiến hoàn lưu khí quyển thuộc khu vực châu Á bị thay đổi gây ra đợt mưa kéo dài. Miền Bắc chưa bao giờ ghi nhận đợt mưa nào kéo dài như thế này.
Ông Hải nhận định, đợt mưa này khả năng kéo dài đến hết ngày 15.7, sau đó suy yếu đi, mưa giảm. Đến 18-20.7 sẽ có một đợt mưa mới nhưng giảm cả lượng mưa và diện mưa. Đợt mưa tới sẽ kéo dài 4-5 ngày.
Trước tình trạng mưa kéo dài, ông Hải lo ngại: “Hiện nay ở các timhr miền núi phía Bắc, các sông suối, hồ chứa đã đầy nước. Mưa một thời gian quá dài nên đất cát cũng no nước, độ liên kết của đất kém, tôi lo ngại sẽ có tình trạng sạt lở diện rộng, có thể sạt lở cả quả núi lấp hết làng mạc. Năm 1987, ở Bát Xát (Lào Cai) đã xảy ra sạt lở núi vùi lấp cả làng, cả làng chỉ có 2 người đi làm thuê nơi khác là sống sót.
Tôi lo sợ sẽ xảy ra tình trạng sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc nguy hiểm như đợt sạt lở vừa qua ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Như thế thiệt hại sẽ rất lớn”.
Theo ông Hải, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng người dân cần cảnh giác cao độ, cần có lực lượng kiểm tra thường xuyên các điểm nguy cơ sạt lở và cảnh báo, hướng dẫn cho người dân biết để đề phòng. Người dân nếu không có việc gì, không nên đi lại ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, những nơi đó hiện nay đang rất nguy hiểm.
14 người chết, mất tích, thiệt hại gần 29 tỷ đồng
Theo Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất của các tỉnh miền núi phía Bắc (gồm Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hòa Bình), từ 6-11/7, đã có 13 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ. Tổng thiệt hại sơ bộ ban đầu ước tính trên 28,9 tỷ đồng.
Theo Đình Thắng/Dân Việt