Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về việc tuần sau Bộ Tài chính sẽ ra mắt công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.
|
Ảnh minh họa. |
“Bội thu” sự “bội thu” thuế từ hoạt động thương mại điện tử
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, công cụ AI kiểm soát những vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử sẽ ra mắt vào tuần tới. Theo đó, người người, nhà nhà kinh doanh online hết đường trốn thuế, lách thuế?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, khi áp dụng công cụ AI kiểm soát những vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp tránh thất thu thuế, khi đó người kinh doanh qua sàn thương mại điện tử sẽ không thể trốn thuế, lách thuế. Hiện nay, thương mại điện tử rất đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Khi áp dụng AI vào lĩnh vực quản lý, rõ ràng với công nghệ hiện đại, phân tích, xác minh rất đa dạng và đủ điều kiện để bao quát tất cả các hoạt động trên các sàn thương mại điện tử cũng như trong nền kinh tế. AI cực kỳ nhanh nhạy, bao quát, đây là điều kiện để chúng ta có thể kiểm tra, giám sát một cách sâu sắc, toàn diện.
Cơ quan thuế đang xây dựng và triển khai chức năng tự động phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn điện tử trên ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử, mục đích của việc này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức là cần thiết. Hóa đơn điện tử hiện nay được sử dụng phổ biến trong mọi giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, đây là hóa đơn do doanh nghiệp tự phát hành và quản lý nên cũng có hiện tượng lợi dụng để phát hành hóa đơn giả, hóa đơn không đúng nguồn gốc, để có thể hợp pháp hóa những khoản chi tiêu để trốn thuế, thậm chí có cả những cái trường hợp lợi dụng để hoàn thuế. Vì vậy, cần có các công cụ điện tử để kiểm soát các giao dịch, trong đó có hoạt động hóa đơn điện tử. Việc này một mặt giúp cơ quan quản lý thuế không bị thất thu thuế, không để lọt vào các chi phí kê khai không chính xác. Đồng thời, giúp người tiêu dùng tránh được rủi ro mua phải những hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm soát chất lượng nhưng lại được che đậy bằng các hóa đơn được phát hành gian lận.
|
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. |
Dự báo AI là “chế tài thép” tối ưu hoá quản lý thuế, mang tới “bội thu” thuế từ hoạt động thương mại năm 2024 và các năm tới?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, rõ ràng khi áp dụng AI, tối ưu hóa quản lý thuế sẽ mang tới sự “bội thu” thuế từ các hoạt động thương mại điện tử. Bởi vì khi sử dụng AI sẽ quản lý khối lượng lớn một cách chi tiết, cụ thể, giúp chúng ta tốn ít công sức, nhưng lại quản lý trên diện rộng, mang tính bao quát nên việc chống thất thoát thuế sẽ tốt hơn nhiều. Khi đó sẽ tạo điều kiện để tăng nguồn thu từ thương mại điện tử cũng như nguồn thu trong nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, khi nói đến năm 2024 này, chúng tôi vẫn nói riêng lĩnh vực thương mại điện tử có thể đạt được số thu lớn nhất từ trước đến nay, khoảng trên 100 nghìn tỷ từ thuế thương mại điện tử. Đây là bước phát triển rất mạnh nếu so với năm 2020, 2021.
Ngành thuế có truy vết, truy thu thuế thương mại điện tử với các sàn, người kinh doanh online từ năm 2023 về trước?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể xem xét, tính toán việc truy vết, truy thu thuế với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử từ năm 2023 về trước. Nhưng điều quan trọng nhất, chúng ta có những cơ sở để hình thành các kho dữ liệu để quản lý kinh doanh thương mại điện tử trong hiện tại cũng như trong tương lai một cách tốt hơn.
Bỏ miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, số thu thuế VAT sẽ tăng
Chính phủ sẽ bỏ quy định về miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử dưới giá trị 1 triệu đồng theo cam kết quốc tế tại Công ước Kyoto năm 1973 và được cụ thể hoá tại Quyết định 78 năm 2010. Đây là “hành động” thu đúng, thu đủ thuế nhằm làm tăng số thu về thuế VAT?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Trước đây, chúng ta quy định miễn thuế vì mức thuế nhỏ so với chi phí quản lý và cũng để đơn giản hóa quản lý thuế, hàng hóa nhập khẩu qua các hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới và có giá trị dưới 1 triệu đồng. Điều này cũng giúp khuyến khích việc tiêu dùng hàng giá trị nhỏ của người dân. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động mua bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới rất phổ biến, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa. Điều đáng ngại là trong khi không thu thuế với hàng hóa sản xuất ở nước ngoài bán tại thị trường trong nước, hàng trong nước sản xuất bán tại thị trường nội địa vẫn phải chịu các loại thuế. Tình trạng này tạo ra sự bất bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước.
Việc thu thuế hàng nhập khẩu sẽ giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn. Bên cạnh đó, khi thu thuế, chúng ta cần có những chính sách đi kèm theo. Qua đó sẽ kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ và cả chất lượng của các hàng hóa đó. Do đó, hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nhập khẩu chất lượng kém, không đúng xuất xứ so với thông tin quảng cáo, hay thậm chí hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, lấy tên, nhãn mác của hàng Việt Nam để bán ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị của sản phẩm trong nước. Do đó, lợi ích của việc thu thuế là vừa đảm bảo việc quản lý nhà nước, vừa an toàn, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng. Tôi cho rằng, việc thu thuế trở lại đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp, khi mà số lượng của các loại hàng hóa đó rất lớn trên thị trường. Đây là “hành động” thu đúng, thu đủ thuế nhằm làm tăng số thu về thuế VAT.
|
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách của chúng ta đang không còn phù hợp. Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới, con số thất thoát rất lớn. Do đó, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng nay đã khác, kinh tế số chỉ cần một giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó.
Khuyến cáo với các sàn thương mại điện tử và người kinh doanh, buôn bán online nên hành động ngay và luôn lúc này như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thực ra việc kinh doanh trên các sàn các sàn thương mại điện tử sẽ ngày càng sẽ được quản lý tốt hơn, rõ ràng, cụ thể, tỉ mỉ hơn. Do đó, người kinh doanh cũng cần phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thống kê, có số liệu mang tính cụ thể, chi tiết. Việc tính toán doanh thu, mức thuế, số thuế phải đóng cần được thực hiện một cách đầy đủ, rõ ràng, tránh việc vi phạm về pháp luật về thuế.
Đối với những người mua, bán trên sàn thương mại điện tử, với quản lý ngày càng sâu sát hơn nên việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc nhận các hóa đơn điện tử khi mua bán hàng cũng cần thực hiện chặt chẽ hơn. Một mặt giúp ngân sách nhà nước có điều kiện để thống kê các doanh thu, tính toán số thuế tránh thất thu, đồng thời cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi việc mua bán trên sàn thương mại điện tử có những tranh chấp.
Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Theo Tổng cục Thuế, đến cuối tháng 8/2024, đã có 404 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên cổng thông tin thương mại điện tử, tăng 43 sàn so với thời điểm cuối năm 2023. Cơ quan thuế đã quản lý khoảng 1,77 triệu tỷ đồng doanh thu của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Số thuế đã nộp khoảng 78 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp thuế hơn 6.234 tỷ đồng, bằng 124% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế từ tháng 3/2022 (thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành), các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng.
Với sàn thương mại điện tử trong nước, ngành thuế bắt đầu thu từ năm 2024, riêng Hà Nội, tính đến hết tháng 10 đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng.
Hải Ninh thực hiện