Video tài xế bê bết máu vật lộn với cướp.
Ngoài việc phẫn nộ với đại úy Lâm, dư luận còn bức xúc với rất nhiều người dân có mặt tại đó nhưng chỉ đứng xem hoặc dùng điện thoại quay video... mà không trợ giúp dù tài xế vừa ra sức đè tên cướp xuống đường vừa tri hô giúp bắt cướp.
Đối chiếu theo Điều 132 - Bộ Luật Hình sự quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì những người có mặt ở đó, chứng kiến, theo dõi toàn bộ sự việc có vi phạm pháp luật?
Trao đổi với PV Báo Tri Thức và Cuộc Sống, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý về hành vi nhiều người đứng xem, livestreams tài xế vật lộn với cướp nhưng không giúp đỡ, trong đó đáng trách nhất là đại úy Nguyễn Thanh Lâm, Công an xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội).
Luật sư Cường cho biết, hình ảnh video cho thấy có một một số người đã vô cảm, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm khi để một mình người thanh niên áo trắng vật lộn với tên cướp có hung khí.
Nếu như nghe thấy sự hô hoán của nạn nhân, nhiều người có mặt tại hiện trường cùng áp sát đối tượng, tấn công, không chế, tước vũ khí thì tính nguy hiểm của đối tượng này sẽ bị giảm bớt, nhanh chóng bắt giữ và xử lý với đối tượng.
Tuy nhiên để một người thanh niên máu me bê bết vật lộn với đối tượng mà những người khác thờ ơ, vô cảm là một điều rất đặc trách, đáng suy nghĩ về đạo đức, trách nhiệm của một số người. Một số người thấy cảnh đó nhưng coi như không có chuyện gì xảy ra, đây là thái độ rất đáng lên án. Đặc biệt trong số những người có mặt tại hiện trường có người mặc cảnh phục Công an. Phải làm rõ thông tin về người này và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
"Do đó, việc cứu giúp người bị nạn cũng cần xem xét có điều kiện giúp đỡ hay không. Trường hợp một mình không thể thực hiện được thì cần thông báo với nhiều người hoặc báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số trường hợp pháp luật quy định về nghĩa vụ phải cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm. Nếu không cứu giúp có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Vụ việc lại một lần nữa cho thấy sự mất an toàn trong xã hội khi những đối tượng nghiện ma túy, những đối tượng côn đồ, manh động ngang nhiên lộng hành, bất chấp pháp luật, chỉ vì muốn chiếm đoạt tài sản của người khác mà sẵn sàng tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Tội phạm về ma túy là nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và còn làm phát sinh các loại tội phạm khác" - luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường chia sẻ, bởi vậy để thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội thì đấu tranh với nhóm tội phạm về ma túy, quản lý các đối tượng có tiền án tiền sự, các phân tử có thể thực hiện hành vi phạm tội trên các địa bàn là cần thiết. Đồng thời phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án hình sự, đảm bảo thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì mới giảm bớt được những tội phạm về trật tự xã hội, những vụ án đau lòng như vậy.
Hiện vụ tài xế vật lộn với cướp ở Hà Nội đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.