Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: ĐBQH đề nghị không sai hẹn

Google News

(Kiến Thức) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích lần thứ 9. Trong khi đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói rằng, sẽ rút ra những bài học hết sức sâu sắc.

Đề nghị không để đường sắt Cát Linh – Hà Nội tiếp tục lỗi hẹn
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đã có những phát biểu thảo luận liên quan dự án đường sắt đô thị.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, các dự án đường sắt đô thị được coi là giải pháp cứu cánh của cả Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án có khá nhiều vấn đề, mà mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn, nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận như dự án Cát Linh-Hà Đông, dự án Bến Thành-Suối Tiên. Các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không lặp lại.
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: DBQH de nghi khong sai hen
 Đại biểu Nguyễn Phi Thường.
Đại biểu Thường nêu 3 vấn đề, trong đó, với quy hoạch đô thị, giao thông đô thị và đường sắt đô thị, làm sao để dự án đường sắt đô thị gắn kết với không gian đô thị, tích hợp vào đời sống đô thị để phát huy được vai trò. Đô thị của cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay đều không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng, phát triển chủ yếu theo quy luật kinh tế.
Để đường sắt đô thị phát huy hiệu quả theo đúng nghĩa, đại biểu Thường cho rằng, cần có lượng người đi đông tương ứng. Việc đó phụ thuộc chủ yếu vào sự tiện nghi, phù hợp của những kết nối giữa nhà ga đường sắt đô thị và đô thị. Cụ thể là các tuyến đi bộ, các trung tâm tập trung đông người, không gian công cộng, bến bãi đỗ xe, phương tiện trung chuyển, xe bus kết nối.
Đại biểu Thường cho rằng, song tuyến metro mới được 1/3 chặng đường, 1/3 tiếp theo là mạng lưới giao thông xung quanh hệ thống metro và xe bus trung chuyển, 1/3 cuối cùng là phát triển các dự án cao tầng mật độ cao quanh các trạm dọc và quanh metro trong bán kính khoảng 500-800m. Phải quy hoạch và phát triển đồng bộ hoạt động thương mại, chung cư, cao ốc văn phòng. Nếu metro không tiện lợi thì hành khách sẽ ít và trợ giá khai thác vận hành sẽ ở mức cao và kéo dài.
Việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt đô thị cần gắn kết chặt với tái cấu trúc không gian đô thị. Cần nghiên cứu kiểu đo ni đóng giày cho từng tuyến Metro của Việt Nam.
Về công nghệ, quy chuẩn, vốn và tích hợp các tuyến, ông Thường đưa ra phân tích, hiện Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đường sắt đô thị, nên việc triển khai thực hiện nghiệm thu dự án là rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư, nước tài trợ vốn.
Về khả năng tích hợp giữa các tuyến, các tuyến đường sắt đô thị do các nhà tài trợ khác nhau nên công nghệ tiêu chuẩn cũng khác nhau. Do vậy, việc tích hợp công nghệ toàn mạng rất khó khăn, chẳng hạn, chỉ hệ thống thẻ vé tự động 3 tuyến Hà Nội: Cát Linh-Hà Đông (ODA Trung Quốc), Nhổn-Ga Hà Nội (ODA Pháp), Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (ODA Nhật) đã là 3 loại thể khác nhau.
Về dự án Cát Linh, Hà Đông, ông Thường nhấn mạnh, dự án này được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã nhiều lần chất vấn Bộ GTVT. Đồng thời cho biết, vừa qua Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp làm việc với Bộ này, thành lập tổ công tác để tháo gỡ song hiện còn nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ Quốc hội.
Ông Thường đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích lần thứ 9.
"Kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề mà không chỉ Bộ Giao thông Vận tải hay Hà Nội có thể giải quyết được. Đại biểu băn khoăn không biết thời hạn cuối cùng đặt ra cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là vận hành trong cuối năm nay có khả thi, sau rất nhiều lần phải chậm, lùi tiến độ và đề nghị cần có giải pháp mạnh để dự án này không sai hẹn thêm lần thứ 9" - ông Nguyễn Phi Thường nêu ý kiến.
Về các nội dung cần lưu ý khi triển khai các dự án đường sắt đô thị, ông Phi Thường cho rằng, cần đánh giá rút kinh nghiệm các dự án ODA về đường sắt đô thị một cách thận trọng, nhất là việc lựa chọn chỉ định tổng thầu. Bên cạnh đó, việc đầu tư đường sắt đô thị chỉ hiệu quả cao khu đầu tư toàn tuyến chứ không chỉ từng đoạn, tuyến riêng lẻ. Đặc biệt, khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là với hợp đồng EPC vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính sẽ rất rắc rối sau này.
Rút kinh nghiệm từ dự án đường sắt đô thị
Giải trình trước Quốc hội về dự án đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, qua các dự án hiện nay cũng rút ra những bài học hết sức sâu sắc.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020, ngành GTVT được bố trí 40.000 tỷ đồng, đến ngày 30/10/2020, đã giải ngân hơn 29.000 tỷ đồng, tương đương 73%, cao hơn mức trung bình cả nước 13%.
Liên quan đến đường sắt đô thị, ông Thể cho rằng, đây là loại hình giao thông hiện đại, giúp tránh ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới.
"Trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo rất nhiều, các thành phố và Bộ cũng họp rất nhiều. Qua các dự án hiện nay cũng rút ra những bài học hết sức sâu sắc. Thứ nhất là việc quy hoạch, thứ hai là trong quá trình lựa chọn đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu" – Bộ trưởng Thể nói.
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: DBQH de nghi khong sai hen-Hinh-2
 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Ông Thể nhấn mạnh, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm để chúng ta lựa chọn công nghệ, nhà thầu tốt và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các dự án AVC. Những dự án mà chúng ta phải giải phóng mặt bằng xong, cần phải có giải pháp rõ ràng từ đó xác định giá trị tránh tình trạng phải điều chỉnh giá.
“Đường sắt đô thị là hướng đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn. Việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn và tốt hơn” - ông Thể nói.
Giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT có một số chương trình, nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc lớn, từ đó lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng để đầu tư, nhằm nâng số km đường cao tốc hiện nay từ hơn 40 km lên hơn 300 km. Không có cao tốc thì thu hút đầu tư phát triển vùng ĐBSCL sẽ rất khó khăn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Dự án “siêu lầy” đường sắt Cát Linh - Hà Đông được mổ xẻ tại Quốc hội

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh