Duyệt chi ngân sách Trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng năm 2021

Google News

(Kiến Thức) - Theo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua, tổng số chi ngân sách Trung ương năm 2021 là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Chi gần 36.000 tỷ đồng để xử lý việc cấp bách
Chiều 13/11, với 93,15% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Nghị quyết quyết nghị, tổng số thu ngân sách Trung ương là 739.401 tỷ đồng (bảy trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm lẻ một tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng (sáu trăm lẻ ba nghìn, chín trăm hai mươi chín tỷ đồng).
Tổng số chi ngân sách Trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Duyet chi ngan sach Trung uong hon 1 trieu ty dong nam 2021
  Với 93,15% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến đề nghị tăng mức phân bổ ngân sách để chi hỗ trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các địa phương bị bão lũ ở miền Trung; ưu tiên đầu tư, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong năm 2020, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; dự kiến hỗ trợ 381,8 tỷ đồng cho 11 địa phương khu vực miền núi phía bắc để khắc phục thiệt hại do mưa đá, dông lốc, sạt lở cơ sở hạ tầng do thiên tai gây ra trong 8 tháng đầu năm.
Đối với ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung, Tây Nguyên trong tháng 10/2020, Trung ương bước đầu bổ sung 500 tỷ đồng cho 5 địa phương ở miền Trung. Ngoài ra, ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở với mức tối đa 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng...
Năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đê điều, hồ đập... sau bão lũ.
Như vậy, trong điều hành ngân sách Nhà nước năm 2020 và năm 2021, Trung ương đã quan tâm đến khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Về số ý kiến đề nghị làm rõ việc bố trí và cân đối ngân sách cho phòng chống đại dịch Covid-19, dự toán NSNN năm 2020 đã bố trí hơn 37.000 tỷ đồng dự phòng NSNN, 100 tỷ đồng bổ sung quỹ dự trữ tài chính, 1.200 tỷ đồng chi dự trữ quốc gia và khoảng 90 tỷ đồng kinh phí thực hiện các hoạt động chỉ đạo tuyến về phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, do mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép huy động cả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 (20.000 tỷ đồng) để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống đại dịch Covid-19 và hỗ trợ khó khăn cho người dân và người lao động trong các doanh nghiệp.
Năm 2021, dự toán NSNN trình Quốc hội dự kiến bố trí 34.500 tỷ đồng dự phòng NSNN; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 100 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng dự trữ quốc gia để chủ động xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh trong điều hành, như phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...
Không quy định chế tài cắt điện, nước trong Luật xử lý vi phạm hành chính
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với tỷ lệ 92,53% ĐBQH có mặt tán thành.
Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo luật được thông qua đã không quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” cho các chủ đầu tư, đơn vị sai phạm, dù trước đó khi thảo luận có nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung biện pháp này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về vấn đề cưỡng chế cắt điện nước các đơn vị có sai phạm, do ý kiến của ĐBQH trong quá trình thảo luận còn khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.
Kết quả xin ý kiến cho thấy, có 207/399 ĐBQH trả lời phiếu đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế này. Có 190/399 ĐBQH trả lời phiếu tán thành phương án 2 quy định bổ sung nội dung này.
Duyet chi ngan sach Trung uong hon 1 trieu ty dong nam 2021-Hinh-2
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết.
 
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, do số lượng ĐBQH ủng hộ từng phương án chênh lệch nhau không lớn, đồng thời đều chưa vượt quá 50% tổng số ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.
"Đa số ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy về cơ bản không có khó khăn, vướng mắc do thiếu biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính" - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thông tin.
Ngay tại hội trường Quốc hội, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật xử phạt vi phạm hành chính, có 390 ĐBQH (chiếm 80,91%) đã biểu quyết tán thành việc không bổ sung quy định cắt điện, cắt nước khi xử lý vi phạm hành chính vào luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Dự án “siêu lầy” đường sắt Cát Linh - Hà Đông được mổ xẻ tại Quốc hội

Nguồn: VTV TSTC

Hải Ninh