Forbes xuất bản sách của ái nữ nhà "Dr. Thanh" tại Mỹ
Competing with giants là quyển sách đầu tiên do người Việt viết được ForbesBooks xuất bản. Sách do Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát viết cùng nhà báo Anh Jackie Horn và chuyên gia kinh tế Mỹ John Kador.
Câu chuyện chủ đạo viết về quá trình ông Trần Quí Thanh xây dựng công ty Tân Hiệp Phát từ hai bàn tay trắng, vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất thị trường Việt, thậm chí vượt qua Coca Cola, Pepsico... ở một số ngành hàng. Thông qua đó, cuốn sách làm bật tinh thần "Không gì là không thể" - triết lý nền tảng giúp Việt Nam dần trở thành con hổ mới của châu Á.
Tinh thần người Việt
Ông Justin Batt - Giám đốc kinh doanh nhà xuất bản ForbesBooks nhận định câu chuyện nhà "Dr. Thanh" giúp cộng đồng doanh nhân, chuyên gia thế giới hiểu thêm về kinh tế Việt Nam thời hậu chiến.
"Kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức khi chỉ mới bước ra khỏi chiến tranh 40 năm. Tuy nhiên thế hệ doanh nhân như Trần Uyên Phương đang vượt qua trở ngại để chứng minh với thế giới rằng doanh nhân Việt không lỗi nhịp trước sự phát triển kinh tế toàn cầu", ông Batt nhận định.
Cũng theo đại diện ForbesBooks, tiến trình phát triển Việt Nam hiện nay tương tự như Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Á khác... đã làm được và trở thành nền kinh tế hội nhập sâu rộng.
Đại diện nhà xuất bản này cũng nhìn nhận cuốn sách đóng góp lớn cho giới kinh doanh toàn cầu. "Đây là câu chuyện đầy nghị lực về một doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam vươn lên cạnh tranh trực tiếp với người khổng lồ. Thế giới cần nghe câu chuyện đó và nhiều doanh nghiệp nhỏ khác ở Mỹ, các nước khác... có thể học hỏi".
|
Bà Deborath Toress Patel, một doanh nhân người Mỹ, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp (trái) và bà Trần Uyên Phương, tác giả Comepeting with giants. |
Bà Deborah Torres Patel là một chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp kiêm tác giả sách người Mỹ từng ghé thăm Việt Nam và sống ở các nước châu Á trong 22 năm. Bà bày tỏ sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh người Việt và dân tộc Việt ở thập niên 80, 90 thế kỷ trước trong trang sách.
"Tôi đã nghe nhiều về cách người Việt chiến thắng cuộc chiến và câu chuyện của ông Trần Quí Thanh đã khiến tôi xúc động. Hậu quả chiến tranh đã gây ra quá nhiều khó khăn cho người Việt, cho Tân Hiệp Phát. Nhưng các bạn đã vượt qua quá khứ và vươn lên mạnh mẽ bằng tất cả tri thức và lòng quả cảm", doanh nhân hiện sống tại Singapore nói.
Tại sự kiện ra mắt sách có 150 khách mời tham gia, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng nhìn nhận cuốn sách kể câu chuyện của kinh tế Việt Nam thời hậu chiến chứ không chỉ là chuyện riêng của nhà Dr. Thanh.
"Suốt những năm qua, chúng tôi không ngừng phát triển và cạnh tranh với những người khổng lồ. Trong tiến trình hội nhập, sự phát triển của Việt Nam phụ thuộc lớn vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp mà một trong những tổ chức tiên phong là Tân Hiệp Phát", ông Quý khẳng định.
Trong sự kiện, ông Quý cũng bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều quyển sách về kinh tế và doanh nhân Việt Nam được xuất bản trên thế giới, qua đó làm đậm nét vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh thương toàn cầu.
Triết lý cả công ty là một gia đình
Các chuyên gia nhận định một trong những bài học lớn cuốn sách mang đến cho độc giả là cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Tiến sĩ, bác sĩ Amit K. Trehan - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Y tế bang Texas, là bạn học của Trần Uyên Phương tại chương trình đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp (Đại học Harvard, Mỹ). Ông cho biết câu chuyện xây dựng văn hóa công ty Tân Hiệp Phát là trường hợp điển hình trong lớp học có 79 đại diện lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp thuộc 37 quốc gia.
"Khi Uyên Phương nói đến gia đình Tân Hiệp Phát cô ấy không chỉ nói về gia đình của người lãnh đạo mà là toàn thể đội ngũ nhân viên công ty. Điều đó xa lạ với các nền kinh tế tư bản phương Tây; còn ở phương Đông, không phải tổ chức nào cũng làm được", ông Trehan nhận định.
|
Ông Amit K. Trehan (thứ hai từ trái sang) và những người bạn học trong chương trình đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo (OPM, Harvard). Ảnh: Forbes. |
Còn bà Deborah Torres Patel khuyến nghị dịch quyển sách ra nhiều thứ tiếng và xuất bản tại châu Âu, châu Á... để nhiều doanh nghiệp khác có thể học hỏi bài học của Tân Hiệp Phát.
"Độc giả sẽ thấy động lực phát triển của doanh nghiệp đến từ sự gắn bó và cùng chung chí hướng của những người trong 'gia đình'. Tất cả thành viên đều tin không gì là không thể và đóng góp hết mình vào công cuộc chinh phục những mục tiêu lớn".
Cuốn sách chỉ ra phương cách tổ chức hoạt động doanh nghiệp va xây dựng văn hóa hiệu quả. Ông Trần Quí Thanh và bà Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh) phụ trách kinh doanh và các hoạt động xã hội; người con gái thứ hai - bà Trần Ngọc Bích chịu trách nhiệm quản lý vận hành; còn bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) vẫn là người có ảnh hưởng nhiều đến văn hóa đặc biệt là đời sống anh em công nhân và các cán bộ.
Sách còn là câu chuyện cảm động về cách gia đình Dr. Thanh vượt qua sóng gió lớn nhất từ trước đến nay, khi bà Nụ lâm trọng bệnh, làm lung lay trụ cột quan trọng nhất của gia tộc này.
"Sự gắn bó giữa vợ chồng ông Thanh và cách mà họ luôn bên cạnh động viên nhau khiến tôi không cầm được nước mắt", bà Patel chia sẻ.
Riêng với ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát và cũng là cha của tác giả Trần Uyên Phương, ông nhìn nhận cuốn sách đã khẳng định sự trưởng thành trong tính cách và khả năng lãnh đạo của con gái.
"Hai con từng không hiểu vì sao tôi khắt khe, kỷ luật, đòi hỏi cao. Nhưng qua những gì Uyên Phương viết trong hai quyển sách, tôi thấy con đã trưởng thành, thấu hiểu giá trị gắn kết và nỗ lực mà tôi luôn hun đúc trong đại gia đình Tân Hiệp Phát", ông Thanh nói.
|
Competing with giants (Vượt lên người khổng lồ) ra mắt tại Mỹ với 20.000 bản in. Ảnh: Forbes. |
Trước Competing with giants, bà Uyên Phương viết cuốn "Chuyện nhà Dr. Thanh" bằng tiếng Việt, xuất bản vào giữa năm 2017. Cuốn sách được độc giả đón nhận nhờ lần đầu tiên kể câu chuyện bên trong gia tộc Dr. Thanh và cách họ vượt qua nhiều sóng gió trên thương trường lẫn trong cuộc sống.
Với cuốn thứ hai viết bằng tiếng Anh, Uyên Phương sử dụng ngôn ngữ kinh doanh đậm đặc hơn, lồng ghép giá trị văn hóa, tinh thần của doanh nhân Việt thông qua những bài học về phương thức kinh doanh đang áp dụng trong doanh nghiệp.
Một trong những điển hình của giá trị văn hóa, tinh thần của doanh nghiệp thể hiện rõ khi gia đình nhà điều hành từ chối vụ chào mua Tân Hiệp Phát trị giá 2,5 tỷ USD từ tập đoàn Coca Cola vào năm 2012.
Sách chính thức lên kệ tại các cửa hàng sách ở Mỹ từ ngày 12/9, hiện trong giai đoạn quảng bá tại các quốc gia châu Âu và chuẩn bị ra mắt tại thị trường Việt vào tháng 10 tới.
PV