Ga Hà Nội còn là nơi lưu giữ ký ức của biết bao thế hệ người Việt, góp phần làm phong phú cho bề dày lịch sử của Hà Nội. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp để lại.
Một trong những sự kiện lớn của Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là việc chính quyền Pháp quyết định xây dựng con đường xe lửa xuyên Đông Dương và xuyên Đông Tây, tức con đường Bắc – Nam và con đường Hải Phòng – Côn Minh. Do đó cần phải xây dựng một ga xe lửa lớn ở Hà Nội, đến năm 1902, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) mọc lên, là nhà ga lớn chưa từng có ở Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Theo nội dung cuốn sách “Chuyện Thăng Long Hà Nội qua một đường phố” của cố Sử gia kinh tế Đặng Phong, nhà ga được xây dựng qua nhiều đợt khác nhau.
Đợt đầu xây tòa nhà chính của nhà ga, gồm 3 tầng, nhìn thẳng ra con đường Gambetta, tức đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Tầng dưới là đại sảng, dành cho việc bán vé, đón khách ra vào, đi thông vào sân ga phía trong. Tầng hai là nơi làm việc của các nhân viên và bộ phận kỹ thuật, nghiệp vụ. Tầng ba là bộ phận hành chính.
|
Ga Hà Nội, đầu thế kỷ XX. |
Sau Cách mạng tháng Tám, ga Hàng Cỏ có lẽ là một trong những nơi nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội một thời. Đó là thời kỳ Nam Bộ kháng chiến, nhà ga và cả khu vực này trở thành nơi tập hợp rất đông những đoàn quân Nam tiến cùng gia đình, bạn bè tiễn đưa.
Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, ngày 21/10/1946, vào hồi 15h15’, ga Hàng Cỏ diễn ra một sự kiện lớn, đó là lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về sau mấy tháng đi thương lượng về nền độc lập của Việt Nam. Lễ đón tổ chức rất lớn. Trên tafuy, ngoài Chủ tịch và những vị trong phái đoàn Việt Nam, còn có các vị Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp… xuống tận Hải Phòng đón và cùng về Hà Nội với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong sân ga, gần như toàn bộ Chính phủ và đại biểu các ngành, các giới, tướng Pháp Morliere và quân đội danh dự của Pháp có mặt. Ngoài sân ga và dọc đường từ ga về Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch) là hàng trăm ngàn người nóng lòng được gặp lại vị Chủ tịch thân yêu của mình.
Nhưng thế vẫn chưa hết, suốt từ Hải Phòng đến Hà Nội, nhân dân đứng đợi hai bên đường để đón đoàn tàu của Hồ Chủ tịch đi qua.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ga Hàng Cỏ mang đầy vết đạn bom, từ ga Hàng Cỏ xuống tới ga Văn Điển,, nhiều đoạn đường ray bị bóc, sau đó được phục hồi dần từ tháng 3/1947.
Hiệp định Genève về việc đình chiến ở Việt Nam được ký kết ngày 21/07/1954. Những điều khoản chính của Hiệp định này quy định việc phân chia Việt Nam thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến; quân đội Pháp và quân đội kháng chiến rút về vùng lãnh thổ đã được phân định; và theo điều 14d, việc di cư dân sự được diễn ra dưới sự cho phép và giúp đỡ của nhà chức trách. Suốt thời hạn 300 ngày của Hiệp định, ga Hàng Cỏ là nơi tập trung nhiều sự kiện nhất liên quan đến Hiệp định Genève.
Giai đoạn thứ nhất, kể từ khi ký Hiệp định đến khi tiếp quản Hà Nội (tháng 10/1954), suốt thời gian này tại ga Hàng Cỏ diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt nhằm ngăn chặn việc vận chuyển tài sản, máy móc, thiết bị của các xí nghiệp và công sở Pháp vào Nam.
Tại hàng loạt cơ sở công ích như: sở Bưu điện, các bệnh viện Bạch Mai và Xanh Pôn, nhà máy điện và nhà máy nước Yên Phụ và nhiều xí nghiệp công nghiệp, chủ Pháp đã tháo dỡ các máy móc, thiết bị chuyển ra ga Hàng Cỏ để đưa vào Nam. Công nhân các cơ sở đó đã đấu tranh chống lại việc di chuyển này.
Phối hợp với cuộc đấu tranh đó, công nhân viên chức ga Hàng Cỏ đã tổ chức đình công, dùng nhiều biện pháp ngăn chặn không cho khuôn vác các thiết bị máy móc lên tàu, không cho tàu chuyển bánh. Điển hình nhất là cuộc đấu tranh ngày 20/09/1954, hàng trăm công nhân ga Hàng Cỏ đã nằm trên đường ray để ngăn một đoàn tầu chở những thiết bị vào Nam.
Kết quả là hầu hết các máy móc thiết bị ở các bệnh viện, nhà máy, cơ sở phục vụ đã được giữ lại cho đến khi Chính phủ tiếp quản thành phố.
Giai đoạn 2 là sau khi tiếp quản Hà Nội, ga Hà Nội lại chứng kiến một cuộc đấu tranh không kém phần căng thẳng, đó là làn sóng di cư vào Nam. Theo quy định của Hiệp định Genève, nếu người dân miền Bắc nào có nguyện vọng di cư vào Nam thì Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ngăn cản. Phía chính quyền Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức vận động nhân dân miền Bắc di cư vào Nam, đặc biệt là người công giáo.
Ngày 2/8/1954, Ngô Đình Diệm đã bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để tiến hành chiến dịch vận động di cư. Phía Chính phủ Mỹ ra sức ủng hộ Ngô Đình Diệm cả về phương tiện chuyên chở lẫn tiền tài.
Trong thời gian này, không những trong sân ga, trước cửa ga, mà dọc suốt những phố gần đó như Hàng Lọng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt đều la liệt người di cư trong cảnh màn trời chiếu đất, chờ đợi mua vé tàu đi Hải Phòng.
Ngay tại đây đã diễn ra một cuộc đấu tranh giằng co gay gắt. Một bên là các tổ chức chính phủ tới tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách của Nhà nước, khuyên nhủ họ không nghe theo những lời dụ dỗ của đối phương mà bỏ quê hương, làng xóm vào Nam. Phía bên kia là các giáo sỹ ra sức thuyết phục người công giáo rằng Chúa đã vào Nam, ở ngoài Bắc không còn Chúa, phải vào Nam mới có Chúa…
Cuộc giằng co này đã lôi kéo thêm một lực lượng thứ ba can dự là Ủy ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến giám sát việc đảm bảo tự do di cư.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên,… Nhiều đoạn đường sắt bị cắt, bản thân ga Hàng Cỏ ngày 21/12/1972 đã bị một quả bom lớn ném trúng, ngôi nhà đại sảnh, nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga, bị đánh sập hoàn toàn. Từ đây, tàu hỏa và các xe tải đều phải chạy vào ban đêm.
Con đường chạy qua ga Hàng Cỏ trước đây là đường Nam Bộ, đến năm 1987, nhà nước quyết định đổi tên thành đường Lê Duẩn. Sự lựa chọn này với lý do: Đây là đoạn đường hướng về Nam, mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là người đã dành cả đời mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước, ông được coi là kiến trúc sư trưởng cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, còn một sự kiện liên quan nữa, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng là một nhân viên đường sắt làm việc tại ga Hàng Cỏ vào những năm 1927-1928, đó cũng là lúc ông đang giữ cương vị cán bộ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ.
Theo Hiền Anh/Infornet