Trong số này, hầu hết tính theo tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Với cách tính này, dẫn đầu về điểm chuẩn đang là ngành Sư phạm Văn, Sư phạm Sử của Đại học Sư phạm Hà Nội ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Theo sau là ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao và ngành Quan hệ công chúng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với lần lượt 29,2 và 29,1 điểm, cũng ở tổ hợp này.
Ở khối trường kỹ thuật, các ngành Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội đều có điểm chuẩn trúng tuyển trên 28 điểm.
Thang điểm 40, với một môn nhân hệ số 2, điểm chuẩn cao nhất là 38,12, tại ngành Lịch sử, tổ hợp C19 (Ngữ văn, Giáo dục công dân và Lịch sử) của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm nay, điểm chuẩn Học viện Báo chí và Tuyên truyền có ngành trung bình 9,4 điểm/môn mới đỗ như ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, với 37,7 điểm. Một số ngành lấy mức 37 điểm trở lên gồm Báo chí truyền hình lấy 37,21, Truyền thông Marketing lấy 37,38... Một số trường có công thức xét tuyển riêng như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP HCM. Ở khối kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương có điểm chuẩn nhiều ngành đều ở mức 28 điểm trở lên.
|
Ảnh minh họa, Internet |
Nhìn chung, theo thông tin các trường đã công bố, điểm chuẩn nhiều ngành tăng cao so với năm ngoái, với mức tăng từ 0,5 đến 2 điểm. Một số trường, một số ngành có mức điểm tăng đột biến, có ngành tăng 6,6 điểm. Như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) năm nay tăng đột biến ở một số ngành như: kỹ thuật hạt nhân tăng 6,6 điểm; khoa học vật liệu tăng 5,3 điểm; quản lý tài nguyên và môi trường tăng 3,5 điểm...