Không thực hiện được mục đích, Tú rút dao đâm vợ gục tại chỗ rồi tự tử. Gần chục năm trả giá cho sai lầm trên, anh bảo vẫn mong một ngày kia sẽ nhận được sự tha thứ từ vợ.
Đâm vợ rồi tự tử vì níu kéo bất thành
Trong chuyến công tác tại Trại giam Nà Tấu (thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp – Bộ Công an ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tôi được cán bộ nơi đây tạo điều kiện cho gặp phạm nhân Hoàng Quang Tú (37 tuổi, quê Điện Biên) vì Tú được đánh giá là phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, là chỗ dựa tinh thần, giúp đỡ nhiều phạm nhân khác trong quá trình cải tạo, hoàn lương. Tú tâm niệm: “Phải đối diện với sự thật thì mới đứng lên được. Lúc nào cũng mặc cảm, tự ti thì làm sao sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”.
Nhìn ra khoảng không xa xăm, phạm nhân 37 tuổi bắt đầu kể lại vụ án đau lòng anh gây ra cách đây 7 năm mà nạn nhân chính là người phụ nữ từng đầu ấp má kề với mình. Theo lời kể của Tú, qua sự giới thiệu của gia đình, anh quen và kết hôn với người phụ nữ tên Mai (đã được đổi tên), làm kế toán ở Ủy ban huyện. Ít lâu sau, chị sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh, giống cha như lột. Từ đó, tổ ấm của họ luôn tràn ngập tiếng cười, nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang.
|
Hoàng Quang Tú. |
Do thường xuyên xa nhà bởi đặc thù công việc liên quan tới thuế, Tú phải lòng một người con gái khác khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng hơn khi anh được bạn bè cho biết chị Mai cũng có người đàn ông khác. Lúc đầu anh không tin, cho rằng đó là lời chọc phá của bạn bè. Nhưng vì lúc đó bản thân anh cũng có người phụ nữ khác nên có những hành xử không đúng khiến mối quan hệ của họ đi vào ngõ cụt. Không tìm được tiếng nói chung, họ quyết định đường ai nấy đi sau 5 năm chung sống. Thế nhưng, khi chờ ngày ra tòa, Tú lại gây ra tội ác với người phụ nữ đầu ấp má kề.
Theo lời Tú, trưa 14/5/2010, anh ta tới UBND một huyện ở tỉnh Điện Biên để gặp vợ làm kế toán tại đây. Mục đích anh đến là để níu giữ hôn nhân, xin vợ quay lại với mình. Tuy nhiên, sau một hồi thương thuyết không được, anh bảo vợ nếu ly hôn thì cho mình được quyền nuôi con. Do chỉ có một cháu, chị Mai cũng muốn nuôi nên không chấp nhận lời đề nghị trên khiến vợ chồng lời qua tiếng lại.
“Do vợ không chấp nhận nối lại tình cảm, kiên quyết ly hôn và nuôi con, tôi nghĩ quẩn, kéo cô ấy ra lan can tầng 3 để cùng nhảy xuống, cùng chết. Bị vợ giằng lại, tôi rút dao đâm mấy nhát vào người cô ấy. Tưởng Mai chết, tôi cũng nhảy lầu tự tử” - người đàn ông 37 tuổi kể lại tội lỗi mình gây ra.
Mong chờ tha thứ
Tỉnh lại trong bệnh viện, câu đầu tiên Tú hỏi cha mẹ về tình hình vợ. Biết chị Mai đã qua cơn nguy kịch, Tú mừng rỡ nhưng luôn tự trách bản thân mình. Để rồi trong những ngày nằm viện, anh đã nghĩ quẩn, tiếp tục tìm cách tự tử. Bởi theo lời Tú kể, anh không còn mặt mũi nào để đối diện với tội ác mình đã gây ra với vợ, anh đã khiến đấng sinh thành ra mình phải mất mặt, không dám nhìn người khác. Chỉ tới khi được khuyên can, phải sống vì con, vì cha mẹ, anh mới từ bỏ suy nghĩ tiêu cực trên, đối diện với thực tế với hi vọng có thể làm lại cuộc đời.
Sau gần 2 tháng nằm viện vì vỡ xương chậu do bị va đập vào mái hiên tầng 2 rồi rơi xuống sân bê tông, anh bị bắt giam, để điều tra, xét xử. Ngày Tú phải hầu tòa, trả giá cho hành vi trên, chị Mai cũng tới tham dự trong tư cách bị hại. Tại đây, chị Mai không một lần xin giảm án cho chồng. Lúc đầu, Tú rất buồn nhưng anh biết, thời điểm đó anh không đáng được nhận sự tha thứ của vợ.
Kết thúc phiên tòa, Tú bị tuyên 14 năm tù giam về tội “Giết người”. Trước khi ra xe thùng về trại giam, anh nghe thấy tiếng vợ nói với mình: “Một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, anh cố gắng cải tạo”. Nhờ câu nói ấy, phạm nhân 37 tuổi luôn cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. “Giờ tôi chỉ mong cô ấy luôn được khỏe mạnh, công tác tốt và tha thứ cho tôi dù chúng tôi không còn là vợ chồng theo pháp luật nữa”, phạm nhân quê Điện Biên nói.
7 năm trong trại giam, Tú kể cứ 2 tháng thì mẹ anh lại thu xếp công việc, lên thăm, động viên con trai một lần. Thi thoảng, mẹ Tú cũng dẫn cháu nội lên thăm bố. Theo lời Tú kể, gặp nhau, hai bố con chỉ biết ôm nhau khóc. Cậu bé 5 tuổi năm nào đã biết động viên cha “yên tâm cải tạo bởi bản thân con luôn học giỏi, chăm ngoan”.
“Điều khiến tôi bất ngờ là hồi tháng 4 năm ngoái vợ tôi cũng lên thăm tôi. Khoảng cách giữa chúng tôi vẫn còn rất lớn nhưng tôi thực sự vui khi thấy cô ấy đến. Thấy cô ấy khỏe mạnh, tôi hạnh phúc lắm”, phạm nhân Hoàng Quang Tú chia sẻ.
Cho đến thời điểm này, điều mà phạm nhân này mong chờ nhất là được nghe vợ nói câu: “Em tha thứ cho anh”. Dù chưa thành hiện thực song Tú bảo những lần được gặp người thân là niềm động viên lớn để anh phấn đấu cải tạo tốt.
Theo chia sẻ của cán bộ quản giáo, hiện Tú là tự quản của một phân đội, anh là chỗ dựa tinh thần, giúp đỡ nhiều phạm nhân khác trong quá trình hoàn lương.
Theo Pháp luật Việt Nam