Ghi sai số điện, hóa đơn tăng sốc: Giảm lương lãnh đạo EVN... xây phần mềm ghi số điện?!

Google News

(Kiến Thức) - Khi người dân liên tục phản ánh về việc ngành điện lực tính nhầm hóa đơn tiền điện tại nhiều địa phương, một số ý kiến cho rằng, EVN không nên đề nghị tăng lương cho lãnh đạo đến 37% mà nên giảm lương để xây dựng, nâng cấp phần mềm ghi số điện cho tốt, tránh sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc.

Chỉ trong tháng 6 mới đây, nhiều người dân liên tiếp “tố” EVN ghi sai số điện, đẩy hóa đơn cao ngất. Có những trường hợp, ghi nhầm đến 26.800 số điện so với mức tiêu thụ hàng tháng như trường hợp bà Đào Thị Gái (74 tuổi, ở thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) vừa nhận được thông báo nộp tiền điện của Điện lực Quảng Ninh với số tiền là 89.350.496 đồng. Trong khi bình quân tháng nhà bà Gái chỉ sử dụng hơn 300 nghìn tiền điện hay như hộ gia đình anh Trần Việt Dũng (Đồng Hới, Quảng Bình) cũng bị tính nhầm lên mức 58,5 triệu đồng…
Trước đó, không lâu, lãnh đạo EVN được đề nghị nâng lương tới 37%, nhân viên chỉ 4% dẫn đến sự phản cảm khi chênh lệch quá lớn giữa lãnh đạo và người lao động.
Vậy lúc này, sự cố ghi sau lệch hóa đơn tiền điện lớn, nên dân mới khiếu nại, nếu mỗi hóa đơn điện sai lệch 200- 500 ngàn chắc chắn dân chịu "oan sai" không thể kêu thấu. Vậy có nên xem xét giảm lương lãnh đạo để xây dựng, nâng cấp phần mềm ghi số điện?
Ghi sai so dien, hoa don tang soc: Giam luong lanh dao EVN... xay phan mem ghi so dien?!
 Ảnh minh họa.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp xung quanh nội dụng này.
- Vừa qua, người dân tại một số địa phương liên tục phản ánh về tình trạng hóa đơn tiền điện tăng bất thường trong tháng 6, có hộ bị nhầm lẫn đến 89 triệu đồng/tháng. Ông đánh giá thế nào về sự nhầm lẫn này và trách nhiệm của ngành điện ra sao?
Việc ghi sai số điện dẫn đến hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tại nhiều địa phương tăng đột biến là một vấn đề hệ trọng, liên quan đến vai trò, tinh thần trách nhiệm của các công ty điện lực tại các địa phương. Việc sai số điện do sai sót trong ghi số điện là trách nhiệm của những cán bộ chuyên quản.
Lẽ ra với nhiệm vụ, trách nhiệm họ phải thường xuyên kiểm tra, xử lý những tình huống đó. Đối với những trường hợp số điện, hóa đơn tiền điện cao bất thường như vậy, nếu một cán bộ có trách nhiệm cao sẽ không phát hành hóa đơn gửi cho khách hàng mà phải kiểm tra, xác minh xem có sự bất thường hay không. Ví dụ một hộ dân bình thường sử dụng khoảng vài trăm nghìn/tháng, tự dưng tăng vọt lên mấy chục triệu đồng/tháng thì đó rõ ràng có sự bất thường, phải kiểm tra xem xét. Chứ không thể vô trách nhiệm đến mức cứ phát hóa đơn rồi gửi cho khách hàng.
Rõ ràng, trách nhiệm của cán bộ, các đơn vị điện lực trên còn quá tắc trách, quá thiếu trách nhiệm trong những tình huống đó. Khi thấy bất thường phải ngưng lại để kiểm tra, đối chiếu lại thực tế có đúng như vậy không? Rà soát công tơ có lỗi không, máy ghi chỉ số điện có hoạt động bình thường hay bị hư hỏng. Nếu làm được như vậy sẽ không dẫn đến sự phản cảm khiến người dân, khách hàng phản ứng. Đằng này cứ phát hành hóa đơn gửi cho khách hàng không xem xét lại đúng hay sai dẫn đến người dân bức xúc.
Qua những vụ việc trên, ngành điện lực phải có sự rút kinh nghiệm lớn, xử lý trách nhiệm những người thiếu trách nhiệm để xảy ra các sai sót, không thể để tiếp tục xảy ra những sai sót như vậy. Khi người dân liên tục phản ánh sai sót trong ghi hóa đơn, trong hóa đơn tiền điện sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành điện.
Thời gian qua, người dân đã phản ánh giá điện có nhiều vấn đề, thậm chí bày tỏ sự không hài lòng, ác cảm với ngành điện. Qua tiếp xúc cử tri, một số người dân đã phản ánh về giá điện hiện nay. Tất nhiên, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, người dân sử dụng điện nhiều, phải trả tiền nhiều. Tuy nhiên, giá điện 5 bậc như hiện nay, khách hàng không hài lòng khi những người sử dụng điện nhiều phải tốn rất nhiều tiền theo đơn giá bậc thang. Trong khi thời điểm nắng nóng như thế này mà sống tại đô thị, đô thành, người ta không sử dụng điện thì sử dụng gì.
Dù biết rằng, trong thời điểm hiện tại, khi mùa dịch COVID-19, ngành điện theo chỉ đạo của Thủ tướng, họ đã có cơ chế miễn, giảm tiền điện, một phần thất thu. Do đó, cũng tùy theo tính chất, vụ việc mà cảm thông, chia sẻ với người dân, chia sẻ với ngành điện để làm sao cho sự hài hòa gắn kết giữa người dân với ngành điện.
- Mới đây, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số, EVN đã yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề, ông đánh giá sao về động thái này?
Tôi nghĩ rằng, việc phúc tra với những khách hàng có sản lượng tăng đột biến là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên phúc tra với những trường hợp người dân phản ánh thì cần kiểm tra, thanh tra lại cho rõ ràng để trả lời cho khách hàng. Còn những trường hợp người dân không phản ánh thì thôi bởi hiện nay hàng chục triệu khách hàng sử dụng điện mà phúc tra hết thì ngành điện không có đủ lực lượng để làm những việc đó. Người dân khi phản ánh cũng cần đúng sự thật, có tinh thần trách nhiệm cao và ngành điện cần phải đến kiểm tra để xử lý, giải quyết, không để sự phản cảm khiến người dân bức xúc.
Quan trọng nhất, ngành điện cần nâng cao trách nhiệm ở khâu ghi chỉ số, kiểm tra công tơ điện từ đầu để tránh những sai sót như thời gian vừa qua.
Ghi sai so dien, hoa don tang soc: Giam luong lanh dao EVN... xay phan mem ghi so dien?!-Hinh-2
Đại biểu Phạm Văn Hòa. 
- Vừa qua, một số cơ quan báo chí cũng đã đưa tin về việc EVN có kế hoạch tăng mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 lên 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37%, người lao động lại tăng... nhỏ giọt chỉ 4% là sự chênh lệch quá lớn. Vậy lúc này sự cố ghi sai lệch hóa đơn lớn nên dân mới khiếu nại, nếu mỗi hóa đơn điện sai lệch 200- 500 ngàn chắc chắn dân chịu "oan sai" không thể kêu thấu. Do vậy có cần giảm lương lãnh đạo để…xây phần mềm ghi số điện?
Trước đây, khi trả lời việc nâng lương cho cán bộ quản lý tại EVN lên đến hơn 37 % trong khi người lao động chỉ 4%, tôi đã cho rằng cũng cần phải xem lại. Bởi, nếu người lãnh đạo có năng lực mang lại năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh thì việc nâng lương là phù hợp nhưng cũng phải xem lại để tránh điều tiếng về chủ trương nâng lương chủ yếu cho những người lãnh đạo quản lý còn người lao động dù nâng vẫn thấp dẫn đến phản cảm trong ngành. Bởi số lượng người lao động là rất đông mà chỉ được nâng 4% không đáng là bao nhiêu. Trong khi 14 người lãnh đạo được nâng hơn 37 % mới là quan trọng, hàng nghìn người lao động khác chỉ được 4%.
Qua phản ánh của báo chí, hiện nay việc nâng lương cho cán bộ quản lý của EVN chưa được giải quyết. Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương không đồng ý về việc nâng lương này. Tôi cho rằng đây là vấn đề hay, bởi qua phản ánh của báo chí đã tới lãnh đạo, họ nhân văn, cầu thị và tiếp thu đây là rất tốt. Nếu báo chí không phản ánh thì họ đã thực hiện việc này. Còn việc đầu tư xây dựng, nâng cấp phần mềm thiết bị để tránh sai sót trong việc ghi chỉ số điện là điều cần thiết và ngành điện cần quan tâm.
Xin cảm ơn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa!
>>> Mời độc giả xem video Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ tiền điện tăng cao bất thường

Nguồn: VTC Now.

Hải Ninh