Người đàn bà bị “giời đày”
Từ trung tâm TP.Nam Định, tỉnh Nam Định chạy khoảng 30km về xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tôi tìm về nơi 2 bà cháu Nguyễn Tấn P. đang cư ngụ. Từ trục đường chính của xã, men theo con đường nhỏ ven bờ sông với những khóm tre già, cuối cùng tôi cũng đã đến được nơi cần phải đến.
|
Bà Hồng đang chăm sóc cho cháu P. |
Lúc này, bà Trần Thị Hồng (SN 1962), là bà nội của cháu P. vừa đón cháu ở trường về. Thấy người lạ và nghe tiếng gọi, bà Hồng tất tả chạy ra mở cổng. Khi giới thiệu là PV, bà Hồng mời tôi vào nhà.
“Đây không phải nhà của tôi, tôi chẳng có nhà cửa gì, một tấc đất cắm dùi cũng chẳng có. Em trai tôi thương tình bảo 2 bà cháu tôi về ở, còn gia đình nó chuyển lên Hà Nội sinh sống rồi”, bà Hồng gợi đầu câu chuyện.
Rót chén nước, bà Hồng bắt đầu kể về câu chuyện đời mình. Cách đây hơn 30 năm bà Hồng có tình cảm với một người đàn ông. Sau đó, bà mới biết được rằng người này đã có vợ. Nhưng đã có muộn, người đàn ông chẳng thể bỏ gia đình của mình để lấy bà.
Một mình bà bầu bí rồi sinh được một người con trai. Từ đó trở đi, 2 mẹ con ở nhà đằng ngoại vì người đàn ông kia không đón 2 mẹ con về. Bà cũng chẳng đi bước nữa mà ở vậy nuôi con.
Năm 2013, con trai bà là anh Nguyễn Quang H. (SN 1987) lấy vợ. Bà Hồng rất mừng bởi cuối cùng con cái cũng yên bề gia thất, bà có thể an hưởng tuổi già. Nhưng bất hành chưa dừng lại ở đây.
Năm 2014, con dâu bà là chị Nguyễn Thị Ngọc A. khi vừa mới sinh cháu Nguyễn Tấn P. xong thì mắc bệnh trầm cảm. Gia đình đã chạy chữa rất nhiều nơi, đưa lên cả bệnh viện Tâm thần Trung ương nhưng cũng không thuyên giảm. Đưa về nhà, chị A. tiếp tục tái phát bệnh và đi lang thang. Bố mẹ đẻ của chị đã đón về nhà nuôi nấng, chị A. mất nhận thức từ đó, lúc tỉnh lúc mê.
Bi kịch không dừng lại ở đây, đến năm 2015, anh H. đi chơi nhà bạn và bất ngờ đột tử. Đau xót vì đứa con duy nhất tử vong, bà Hồng gắng gượng một mình chăm bẵm, dành tất cả tình yêu thương cho đứa cháu nhỏ.
Nhưng cháu P. không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Cháu không biết nói, không nghe lời người lạ, không tiếp xúc với trẻ cùng trang lứa, hay tăng động, đập phá. Cuộc sống của bà lại càng cơ cực thêm bội phần.
"Sau này tôi mất, cháu tôi sống sao" ?
Đến năm cháu P. được 2 tuổi, bà Hồng đã gửi cháu ở trường mầm non B Trực Đại để có thời gian đi làm, kiếm thêm vài đồng bạc trang trải cuộc sống. Thời gian đầu, dù cháu P. là trẻ khiếm khuyết, nhưng không có điều gì bất thường xảy ra.
Nhưng thời gian gần đây, câu chuyện bé trai Nguyễn Tấn P. bị các giáo viên trường mầm non B Trực Đại dùng dây buộc vào người rồi treo lên của sổ lớp học những ngày qua đã khiến dư luận trong cả nước phẫn nộ.
Theo bệnh án của cháu P. qua xác minh của phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh, cháu Nguyễn Tài P. bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, có giấy xác nhận của khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương. Cháu P. vừa bị câm, vừa bị điếc, có biểu hiện hú, chạy nhảy, dẫm vào người, cắn vào tay các bạn và cô giáo. Nhà trường thừa nhận những lúc cháu P. tăng động quá, cô giáo đã buộc dây vào người cháu P. để giữ “an toàn” cho cháu P. cùng các bạn trong lớp.
Hiện tại, 2 giáo viên có hành vi kể trên đối với cháu P. đã tạm thời được nhà trường cho nghỉ để suy xét lại hành vi của mình. Giáo dục trẻ khiếm khuyết về cơ thể và tâm sinh lý cần có kỹ năng, tuy nhiên các giáo viên đã áp dụng phương pháp phản giáo dục và gây nên hiệu ứng ngược. Các giáo viên, lãnh đạo nhà trường đều mong dư luận có ánh nhìn vị tha vì họ không có ác ý trong việc này.
Bà Hồng cho hay: "Tôi đã tha thứ cho các cô rồi, mình có đem lòng hận thù thì cũng chẳng có lợi gì cả. Tôi tha thứ để mong các cô sau này yêu thương cháu tôi hơn. Nó đã thiệt thòi đủ đường. Nói thật, bây giờ tôi cũng không biết phải làm như thế nào với cháu tôi".
Vừa kể với tôi, bà Hồng vừa lấy tay gạt nước mắt: "Đấy, chú thấy đấy, anh vào trong nhà có gì đâu, tất cả đồ đạc là của em trai tôi. Bà cháu tôi đi ở nhờ, một mình tôi xoay xở. Hàng ngày gửi cháu được lúc nào hay lúc đó rồi tôi đi ra đồng mò cua bắt ốc kiếm tiền đóng tiền ăn cho cháu.
Mùa này, khi cánh đồng mới gặt xong, tôi tranh thủ ra đồng cắt lúa éo về để nuôi gà nuôi vịt nhưng cũng chẳng ăn thua. Năm rồi tôi nuôi con lợn, nó sắp đẻ thì lăn đùng ra chết. Bà cháu tôi còn nợ quỹ tín dụng 25 triệu đồng mà không cách nào trả được vì không có nguồn thu.
Tôi giờ cũng già rồi, những lúc có một mình tôi nghĩ quẩn khi mình chết thì cháu mình ai nuôi? Sau này cuộc sống của nó sẽ ra sao? Chán lắm chú ạ…"
Trao đổi với PV, ông Lưu Văn Dương – Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết, vì cháu P. là trường hợp đặc biệt, nên đã giao cho phòng LĐTB&XH cùng các đơn vị chức năng nghiên cứu phương án hỗ trợ cháu. Nếu có thể thì cháu được vào trường dành cho trẻ khiếm khuyết là tốt nhất bởi ở đó giáo viên được đào tạo bài bản và các trang thiết bị hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, việc này vẫn còn phải dựa vào nguyện vọng của bà Hồng.
Ông Dương cũng đã chỉ đạo địa phương, nhà trường quan tâm cháu P. hơn nữa. Ngoài việc đã miễn giảm học phí cho cháu, các đơn vị xem xét, giúp đỡ 2 bà cháu cả về vật chất và tinh thần để cuộc sống vơi bớt đi phần nào khó khăn.
Theo Minh Sơn/Người Đưa Tin