Gia đình của nghi phạm giết 5 người ở Sài Gòn sợ bị trả thù

Google News

Chị của Nguyễn Hữu Tình khi hay tin em trai là nghi phạm sát hại 5 người ở Sài Gòn, nữ sinh này đã bỏ học về quê và gia đình đang sống trong sự lo lắng.

Một tuần qua, cha mẹ và chị gái của Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, vừa bị Công an TP.HCM khởi tố hành vi Giết người trong vụ sát hại 5 người ở quận Bình Tân) không đi đâu xa, họ chỉ quanh quẩn trong căn nhà nằm ven sông Mặc Cần Dưng ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang).

Ông nội của Tình cũng từ huyện Chợ Mới sang đây. Hàng ngày, ông cùng cha Tình qua chùa Vạn Linh để nhờ sư trụ trì đọc kinh cầu siêu cho 5 thành viên trong gia đình nạn nhân Mai Xuân Chinh (46 tuổi).

'Tội của nó trời không tha'

Cha Tình kể, con trai ông học hết lớp 9 cách nay ba năm thì không học nữa dù có viết đơn đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Lý do Tình bỏ học sớm là bị ông la mắng, thậm chí đánh đòn khi thấy con trai ham chơi, tụ tập với đám thanh niên xăm mình, hút chích dưới chân núi.

Lật học bạ cấp hai của Tình, phóng viên ghi nhận lớp 6 thanh niên này là học sinh tiên tiến, còn lại là trung bình. Nhận xét về hạnh kiểm, giáo viên chủ nhiệm thường phê bình Tình "chưa thực hiện tốt nội quy" và "cần thực hiện tốt nội quy".

 Nhà Tình nghèo, nằm ven sông Mặc Cần Dưng ở An Giang. Ảnh: Nhật Tân.
Sau khi nghỉ học, Tình bán vé số, hạt sen rồi làm phụ xe khách. Trước khi vào nhà ông Chinh làm thợ gia công máng xối inox, Tình về quê khám sức khỏe theo lệnh gọi nhập ngũ nhưng không trúng tuyển vì một mắt bị cận thị.
Nước mắt giàn giụa, mẹ Tình nói: "Con tôi mê chơi riết rồi nó khùng hay sao, nỡ lòng giết cả gia đình người ta. Tội của nó trời không tha, chết mười mạng gia đình cũng không tiếc".
Theo người mẹ, do ham chơi nên cha Tình từng làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương đưa con trai đi giáo dưỡng. Đêm giao thừa Tết Mậu Tuất, Tình điện thoại cho bà nói rằng muốn cưới vợ. Qua một số chuyện không đầu không đuôi sau đó của con trai, người mẹ linh cảm có điều gì mà Tình muốn nói nhưng thanh niên này sau đó tắt máy.
"Mãi đến chiều tối mùng 1 Tết, trưởng công an ấp đến nhà đưa tờ giấy in ra từ báo mạng, với nội dung Tình là nghi can giết 5 người thì gia đình mới hay cớ sự. Lúc đó tôi rụng rời chân tay, đọc không hết bài báo thì nằm vật ra. Con gái tôi đang học đại học, hay tin cũng suy sụp tinh thần, nó quyết định tạm nghỉ học", mẹ Tình nói.
Sợ bị trả thù
Lo sợ người thân của nạn nhân sẽ tìm đến An Giang trả thù, chị của Tình không dám ở nhà cha mẹ ruột mà sang nhà nội, ngoại tá túc. Cha mẹ Tình cũng không dám đi đâu xa, việc mua bán trái cây của gia đình cũng ngưng vì mẹ bị can không đủ tự tin nhìn mặt mọi người.
Những ngày qua thông qua báo chí, cha mẹ và ông nội của Tình gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân. Ông nội bị can Tình nói: "Đau lòng cho Tình ít, đau cho cả nhà nạn nhân là rất nhiều. Tình chết 10 mạng cũng không bù đắp được tội lỗi. Khi nó bị tử hình, gia đình dứt khoát không nhận xác về chôn".
 Đơn đăng ký vào lớp 10 do Tình viết nhưng sau đó không nộp. Ảnh: Nhật Tân.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng từ Lê Văn Luyện đến Nguyễn Hải Dương và gần đây là việc gây án của Tình, cho thấy hành vi của các hung thủ gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết tăng nặng, định khung đó là phạm tội đối với nhiều người, phạm tội với trẻ em. Vì vậy, hình phạt cao nhất dành cho họ là điều khó tránh khỏi.

Các hung thủ này nằm trong lứa tuổi thanh niên, thành phần lao động phổ thông xa nhà hoặc thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hoặc cần tiền để ăn chơi, cờ bạc, có lối sống đua đòi. Trong xã hội hiện đại, quyền sống, quyền con người đặc biệt được quan tâm. Vì vậy, trách nhiệm không thuộc của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà của cả cộng đồng phải tích cực vào cuộc.

"Vấn đề xử nghiêm để răn đe chỉ là phần ngọn nhưng chúng ta chưa thật sự quan tâm đến phần gốc, thậm chí đầu tư chiều sâu về công tác tuyên truyền, giáo dục về nhân cách, đạo đức, pháp luật để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn", luật sư Đức nêu quan điểm.

Theo Việt Tường/Zingnews