Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5000 tỷ đồng, gồm 2 phân kỳ. Phân kỳ 1 khánh thành vào tháng 10/2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm; phân kỳ 2 nâng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.
Đặc biệt các khu vực khó khăn cuối nguồn nước điểm Xa La tại quận Hà Đông, một số xã huyện Thanh Trì dọc trên đường Quốc lộ 70…Cung cấp nước sạch cho một số vùng trước đây chưa có mạng lưới nước sạch phải sử dụng nước tự khoan như địa bàn các xã Trung Mầu, Văn Đức huyện Gia Lâm, và đang tiếp tục lắp đặt mạng phân phối cho các xã Dục Tú, Mai Lâm huyện Đông Anh, phạm vi này đã và đang tiếp tục được mở rộng.
|
Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. |
Sau khi khánh thành phân kỳ 2, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của TP; cung cấp nước sạch cho một số vùng bổ sung thuộc ngoại thành TP như huyện Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía Nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, các khu vực còn lại của huyện Đông Anh, Sóc Sơn…Bên cạnh đó, Nhà máy còn bổ sung nước cho các xã thuộc huyện Văn Giang – Hưng Yên, Khu đô thị EcoPark, thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước thông tin giá nước sạch Nhà máy nước sạch Sông Đuống lên đến 10.246 đồng/m3 cao gấp đôi nước sạch Sông Đà và việc người mua nước đang phải bù lỗ cho doanh nghiệp hơn 2.000 đồng/m3 được báo chí đề cập đang khiến các khách hàng sử dụng nước sạch sông Đuống có nhiều ý kiến trái chiều, đa số đều cho rằng, cùng là nước sinh hoạt, trong khi đó nước sạch sông Đuống và sông Đà chất lượng cũng gần như ngang nhau vậy mà cùng một thành phố, nơi người dân sử dụng nước giá rẻ, nơi phải sử dụng nước giá cao gấp đôi thì thật khó chấp nhận.
Ông Trần Văn Hải, người dân quận Long Biên (TP Hà Nội) cho biết, trong khi giá nước Sông Đà rơi vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3, giá nước mặt bằng chung của Hà Nội là 7000 đồng/m3 mà giá nước sông Đuống lại vọt lên đến 3000 đồng lên đến 10246 đồng/m3 là khó chấp nhận.
Đồng quan điểm với ông Hải, ông Nguyễn Nam, người dân quận Long Biên đặt câu hỏi: Tại sao cùng một thành phố, hai đơn vị cấp nước lại có giá chênh lệch gấp đôi như vậy?
“Chúng tôi yêu cầu phải có giải thích hợp lý để người dân giám sát mới khách quan và công bằng. Chứ lý giải như Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội về cách tính giá nước giữa các dự án là giống nhau, căn cứ vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, khấu hao, phí quản lý...hay như giá nước sạch sông Đuống cao hơn vì nhà máy này sản xuất theo công nghệ mới có thể uống nước tại vòi nên đòi hỏi đầu tư quy mô hơn thì người dân cũng không đồng tình. Bởi doanh nghiệp khi làm dịch vụ cung cấp nước sạch phải đảm bảo chất lượng đầu ra nhưng giá thành phải hợp lý, càng rẻ càng tốt chứ không phải kêu đầu tư lớn rồi giá nước được phép cao”, ông Nam nói.
Tương tự, bà Trần Thị Hoa, người dân TP Hà Nội hiện đang sử dụng nước sạch sông Đuống cho biết, người dân cảm ơn và hoan nghênh nhà máy nước sông Đuống đã đầu tư và cung cấp nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, với giá nước quá cao thì cũng cần phải xem xét lại nguyên tắc tính giá, nâng giá sao cho hợp lý.
“Không thể lý giải kiểu đầu tư Nhà máy Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỷ đồng để đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào giá nước. Đồng thời, khi tính giá nước cần chú ý đến yếu tố khấu hao của công trình. Tôi đọc trên báo thấy ý kiến của Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng rất đúng khi ông nói rằng Chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, vậy trong hợp đồng phải tính đến tuổi thọ công trình thì mới trả được. Dựa vào tuổi thọ công trình để tính khấu hao, từ đó mỗi năm trích ra bao nhiêu % để đưa vào giá thành, chứ không phải đưa "một cục" vào để trả ngay. Người dân chúng tôi không chấp nhận sử dụng giá nước cao như vậy nhưng nói thật nếu không sử dụng thì cũng không biết sử dụng nước ở đâu. Nhưng dù có lý giải thế nào thì cũng nên quy giá nước về một giá chung, bởi chất lượng nước thì sông Đà hay sông Đuống đều như nhau bởi phải đảm bảo chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân”, bà Hoa nói.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ông chưa từng gặp trường hợp dự án đầu tư nào mà người dân “gánh” chi phí lãi vay tương đối lớn cho doanh nghiệp như dự án này.
“Vấn đề đặt ra là hoạt động tài chính của họ có lành mạnh hay không? Cần chứng minh giá này là hợp lý. Hiện không có ai có cơ hội, khả năng xem sổ sách của họ nên cần Ban Kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xem chi phí có minh bạch, có hợp lý hay không để đưa ra giá nước tạm tính này”, ông Hiếu đề nghị và cho rằng, nếu ở nền kinh tế thị trường thật sự giá là điểm cân bằng giữa cung và cầu nhưng mặt hàng nước ở Hà Nội không ở nền kinh tế thị trường hoàn hảo mà bị méo mó đi.
Chuyên gia Ngô Trí Long lại nhìn nhận ở khía cạnh khác, nước là mặt hàng thiết yếu, có sự kiểm soát của nhà nước. Do đó, cần phải lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, trong đó có năng lực tài chính; “Đừng vì không có vốn, phải đi vay với lãi cao, đẩy giá thành cao rồi bắt người mua phải gánh”, ông Long nói.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh lại lấy làm khó hiểu khi có vẻ như Hà Nội đã cam kết với Công ty nước sạch Sông Đuống sẽ mua lại với mức giá được 2 bên thoả thuận, chấp nhận bù lỗ để mua nước Sông Đuống. “Mà bù lỗ thì Hà Nội lấy tiền ở đâu. Cam kết này rất khó hiểu”, ông Ánh nói.
Trước đó, tại buổi họp báo của Thành ủy Hà Nội chiều 12/11, ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Sở Tài chính khẳng định mức giá 10.246 đồng/m3 nước của công ty nước sạch sông Đuống chỉ là mức giá tạm tính và là mức tối đa để phục vụ cho việc thực hiện dự án đầu tư, không phải giá bán đến tay người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ.
Ông Việt lý giải cách tính giá nước giữa các dự án là giống nhau, căn cứ vào nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, khấu hao, phí quản lý... Sở dĩ giá nước sạch sông Đuống cao hơn vì nhà máy này sản xuất theo công nghệ mới có thể uống nước tại vòi nên đòi hỏi đầu tư quy mô hơn.
Hiện TP Hà Nội mới chấp thuận mức giá tạm tính là 7.700 đồng/m3 nước sạch sông Đuống được phép bán cho các đơn vị phân phối. Sau khi quyết toán dự án và có kiểm toán để xác minh tính trung thực của các báo cáo, lúc đó, mới xác định chính thức giá thành sản xuất. Về thông tin thành phố phải chi ngân sách 200 tỷ đồng đề bù giá, Sở Tài chính khẳng định, Hà Nội chưa cấp bù cho dự án này.
Bô Tài chính vừa có công văn trả lời UBND thành phố Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống ở mức tạm tính 10.246 đồng/m3.
Trong đó, Bộ Tài chính cho biết, thẩm quyền quyết định chi ngân sách cho cấp bù giá nước sạch đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
Về chi phí lãi vay, Bộ Tài chính cho rằng, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá tránh tính trùng chi phí.
Về việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, Bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ Công ty CP nước mặt Sông Đuống. UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.
Trường hợp địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều đơn vị cấp nước, Bộ đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án giá nước sạch cho từng đơn vị. Đồng thời, thẩm quyền phê duyệt phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt thuộc UBND cấp tỉnh.
Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội căn cứ điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố và thực tiễn thực hiện trong thời gian qua để quyết định giá nước sạch sinh hoạt áp dụng chung cho các đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch hoặc giá cho từng đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch.
Trên cơ sở đó, căn cứ phương án giá tiêu thụ nước sạch được phê duyệt, biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể do UBND thành phố ban hành, đơn vị cấp nước quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác ngoài mục đích ngoài sinh hoạt và bình quân gia quyền các mức giá nước sạch cho các mục đích bằng giá tiêu thụ nước sạch bình quân được phê duyệt tại phương án giá.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc sớm rà soát, điều chỉnh giá nước sạch cho phù hợp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sạch và cân đối tài chính của các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tâm Đức