Giải bài toán cải tạo, xây dựng lại chợ truyền thống tại Hà Nội

Google News

Lụp xụp, nhếch nhác, tạm bợ, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ,… là thực trạng hiện nay của nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội.

 
 Nhiều khu chợ ở Hà Nội đang ở mức “báo động đỏ” về tình trạng phòng cháy, chữa cháy. Càng đi sau vào bên trong, nguy cơ cháy nổ càng mất an toàn vì không có lối đi, nếu xảy ra sự cố, các phương tiện chữa cháy sẽ rất khó tiếp cận. (Ảnh TL)
Hạ tầng xuống cấp, nhiều nguy hiểm “bủa vây” các khu chợ
Mặc dù xảy ra đã được gần 2 tuần, nhưng vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản của nhiều tiểu thương tại khu chợ Quang, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội và trước đó là sự cố cháy chợ Phùng Khoang, Thanh Xuân, Hà Nội làm một người chết (tháng 5/2015) vẫn khiến nhiều người ám ảnh khi nhắc đến vấn đề an toàn của các công trình xây dựng công cộng, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Ở một khu chợ khác, các tiểu thương tại chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai) không khỏi lo lắng nguy cơ cháy nổ lúc nắng nóng, chập điện lúc gió mưa vì sự xuống cấp nghiêm trọng của khu chợ được hình thành từ thế kỷ trước.
Anh Nguyễn Văn T., một tiểu thương tại chợ Đại Từ cho biết, nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện giao thông, dân cư đông đúc nên việc kinh doanh, buôn bán cũng trở nên sầm uất; tuy nhiên chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại đang trong tình trạng “chết dần chết mòn” vì hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng.
Theo anh T., hàng loạt các sạp hàng, ki-ốt được bày bán tự phát, phủ bạt đóng kín không có quy hoạch, không theo hàng lối cộng với tình trạng hệ thống cống rãnh thoát nước hư hỏng, nước thải ứ đọng… nên chợ trở nên ẩm thấp, tối tăm. Dù có sự nhắc nhở thường xuyên của các lực lượng chức năng nhưng sau kiểm tra mọi việc đâu vẫn đóng đấy, không có sự chuyển biến, cải thiện.
Dù ở trung tâm của Hà Nội nhưng các chợ đầu mối như Long Biên (quận Long Biên), chợ Minh Khai (Từ Liêm)… tồn tại hết sức lộn xộn. Ít quầy sạp được kê cao, số còn lại là hàng rong bày bán thực phẩm dưới nền đất trải nilông hoặc tấm ván. Nhu cầu sử dụng nước để rửa ráy nhiều và do không có cống thoát, cứ thế mạnh ai người nấy đổ nước lênh láng ra giữa lối đi của chợ, mặc cho bảo vệ nhắc nhở. Rác rưởi không được thu gom thường xuyên, trời nắng mùi hôi rất khó chịu. Những chợ này, quầy thức ăn chín, sống lẫn lộn càng nhếch nhác hơn.
Thậm chí, có những chợ cùng các hộ dân xung quanh sử dụng chung hệ thống thoát nước làm cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do hệ thống thoát nước của chợ không tốt nên chỉ sau trận mưa, một số gian hàng đã bị ngập trong nước. Các tiểu thương liên tục kêu ca vì chợ không có các máng xối hứng nước, mỗi lần mưa phải căng bạt, nước đầy ự chực đổ xuống bất cứ khi nào.
Dạo quanh một vòng chợ Văn La (phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội), cảnh tượng nước bẩn, rác ngập cả chợ, chen lấn cùng thức ăn sống, rau - củ - quả... khiến người dân qua đây không khỏi rùng mình.
Đi theo các con đường vào chợ, trong chợ, qua các hàng hoa quả, hàng rau, chỗ nào cũng gặp rác, túi nylon, hoa quả hôi thối, vỏ, lá hoa quả, rơm rác... Còn đến địa điểm mổ gà, vịt... thì nước ngập lênh láng, mặc dù thời tiết không mưa. Mùi nước hôi thối, tanh ngòm bốc lên xộc thẳng vào mũi, nhưng khách hàng vẫn phải mua gà, vịt mổ sẵn từ đây mang về ăn.
 
Nhiều khu chợ tại Hà Nội đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. (Ảnh TL)
Qua khảo sát tại một số khu chợ lâu năm, hầu hết cơ sở vật chất đều bị xuống cấp, nền chợ thấp hơn nền đường giao thông; hệ thống thoát nước hư hại; hạng mục mái che bị vỡ, thấm dột được sửa chữa chắp vá; người dân tự ý mắc thêm các đường điện chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn cùng với sự gia tăng cơ học của các tiểu thương khiến hệ thống điện bị quá tải so với thiết kế, lắp đặt ban đầu,.
Thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị… nhưng thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng, phương án quy mô xây dựng chợ.
Bên cạnh đó, kết quả công tác kêu gọi đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ giai đoạn vừa qua còn hạn chế, số lượng dự án thực hiện đấu thầu thành công rất ít do quy mô các dự án đầu tư nhỏ, không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn, nhất là các chợ ở khu vực nông thôn.
 Dù đã có phương án xây dựng chợ mới thế nhưng hiện tại, chợ Ngã tư sở vẫn đang trong tình cảnh nhếch nhác, tạm bợ.
Một số chợ đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ nhiều năm nay (chợ Ngã Tư Sở, chợ Châu Long, chợ Xuân La,…) nhưng các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án quá chậm, mô hình chợ, quy mô đầu tư không phù hợp, không còn chợ truyền thống đảm bảo nhu cầu kinh doanh của các hộ và không thuận tiện cho việc mua sắm của người dân nên không đảm bảo tính khả thi, không triển khai được dự án dẫn đến tình trạng các hộ kinh doanh khiếu kiện đông người, dài ngày gây mất an ninh trật tự, ổn định xã hội.
Do vậy, trong giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn Thành phố Hà Nội mới thực hiện chuyển đổi được 11 chợ. Hiện tại, tổng số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác là 161 chợ, chiếm 35%, từ đó nhu cầu đầu tư xây dựng các chợ mới còn rất lớn, theo quy hoạch còn khoảng 113 chợ.
Loanh quanh bài toán xã hội hóa cho đến mâu thuẫn quyền lợi
Hệ thống chợ giữ vai trò hết sức quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Trên địa bàn có 454 chợ đã tạo gần 200.000 việc làm; tổng lưu chuyển hàng hóa qua chợ chiếm khoảng 60% (theo số liệu thống kê của Sở Công Thương năm 2017). Và hiện nay nhiều quận, huyện đang đề nghị bổ sung thêm khoảng 150 chợ các loại cần đầu tư, xây mới.
Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư cải tạo lại các dự án chợ truyền thống nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vậy lời giải nào cho mô hình chợ truyền thống phát triển và hoạt động có hiệu quả?!
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả cải tạo, xây dựng lại chợ cũ thời gian qua của Hà Nội đạt tỷ lệ thấp.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong quá trình triển khai đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống các khu chợ thường phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như: phần lớn chợ vẫn do chính quyền địa phương quản lý thông qua các Ban quản lý, Hợp tác xã, phần nhiều nhân sự có trình độ quản lý thấp, không chuyên nghiệp; việc bố trí nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp của Nhà nước rất hạn chế dẫn đến không thu hút được các tiểu thương và người dân đến kinh doanh, mua bán.
Đó còn là những khó khăn khi tại các chợ vùng nông thôn, chợ xây dựng lán tạm, chợ họp theo phiên, nhu cầu phục vụ thấp, số hộ kinh doanh ít,… nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã vào đầu tư để chuyển đổi mô hình quản lý.
Nếu tiếp tục duy trì các khu chợ kiểu cũ, Nhà nước không những không thu được lợi ích từ tiền sử dụng đất, tiền khấu hao xây dựng… thậm chí còn phải bù lỗ cho những hoạt động này. Số tiền đáng lẽ ngân sách được hưởng lợi còn có nguy cơ rơi vào “túi riêng” của Ban quản lý để chia chác với các tiểu thương và một số thế lực ngầm muốn duy trì, “bảo kê” hoạt động theo kiểu cũ, lạc hậu.
Bên cạnh đó, quy định của Luật Đất đai còn “trói buộc” các doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất dẫn đến giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tăng, hiệu quả đầu tư thấp khiến số lượng chợ được chuyển đổi không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Đối với các chợ đã chuyển đổi, do hiệu quả đầu tư không cao nên công tác cải tạo, duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên dẫn đến hạ tầng chợ xuống cấp không đảm bảo; tâm lý các hộ kinh doanh lo lắng sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, mức giá thuê địa điểm và các khoản thu khác sẽ bị tăng cao… xuất hiện tâm lý tâm lý e ngại, không muốn chuyển đổi mô hình quản lý dẫn đến tình trạng một số chợ chuẩn bị chuyển đổi, đang chuyển đổi hoặc đã chuyển đổi xảy ra khiếu kiện không thực hiện được.
Mặt khác, những doanh nghiệp tham gia đầu tư chợ trong những năm vừa qua có năng lực tài chính và kinh nghiệp quản lý còn hạn chế, chưa có những chiến lược cụ thể và lâu dài cho nên kể cả những chợ xã hội hóa thì vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.
Điều đáng nói nữa, hiện nay, đang tồn tại dấu hiệu lợi ích nhóm rất lớn tại các chợ vận hành theo mô hình cũ, truyền thống tại Hà Nội.
Minh chứng rõ ràng nhất là ngày 9/4 vừa qua, chỉ mới nghe tin đồn xây mới chợ mà hàng chục tiểu thương chợ Đồng Xuân đã căng băng rôn, biểu ngữ phản đối tạo nên tình huống dở khóc, dở cười. Bởi lẽ, tâm lý lo ngại của nhiều người nếu các khu chợ mới được hình thành, xây dựng theo hình thức xã hội hóa tức là Nhà nước không mất nguồn ngân sách để xây chợ, thu được lợi ích từ các sắc thuế, tiền sử dụng đất, còn tuổi thọ, bảo trì, bảo hành công trình lại là trách nhiệm của đơn vị đầu tư, thực hiện dự án. Vì vậy, sẽ không còn “đất sống” cho nhóm lợi ích đã tồn tại ở nhiều khu chợ bấy lâu nay.
Suy cho cùng, ở đây vẫn là bài toán lợi ích, trong đó mấu chốt mâu thuẫn giữa doanh đầu tư và tiểu thương chưa tìm được sự đồng thuận, nảy sinh khiếu kiện kéo dài.
Thông thường mâu thuẫn phát sinh bởi các nguyên nhân: Mất đi vị trí kinh doanh lâu năm (từ tầng 1 nay phải chuyển xuống tầng hầm); bị tăng giá quá nhiều so với giá cũ (tăng chi phí đột biến); thay đổi vị trí kinh doanh (ngay cả khi vẫn được ở tầng 1); không đảm bảo thời gian dừng họp chợ theo cam kết; kéo dài thời gian thi công, dẫn đến mất khách hàng thường xuyên, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của tiểu thương; các thỏa thuận về hỗ trợ tài chính cho các tiểu thương trong thời gian tạm ngừng họp chợ không hợp lý.
Khi nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu của của một số tiểu thương đồng nghĩa với việc họ không chịu di dời, gây khó khăn cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến đa số tiểu thương đã nghiêm túc chấp hành di dời.
Trong những năm qua, Hà Nội đã thử nghiệm chuyển đổi mô hình chợ và nguồn vốn xã hội hóa nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn như: Dự án thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo mô hình chợ - trung tâm thương mại như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Bưởi, chợ Gia Thụy…
Những mô hình kiểu này đã làm mất đi chợ truyền thống, gây lãng phí đầu tư và bức xúc trong nhân dân. Lý do thất bại thì có nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu do các các doanh nghiệp - chủ đầu tư thường quan tâm khai thác tối đa lợi thế thị trường để đạt lợi ích cao nhất; bố trí không gian giao dịch chợ truyền thống xuống tầng hầm hoặc áp đặt mức thu phí lên các tiểu thương mà không có sự thỏa thuận thống nhất với nhau; điều kiện kinh doanh trong chợ ngày càng mất đi sự hấp dẫn, thân thiện; các mặt hàng kinh doanh trong chợ vì thế mà không được chú trọng đến chất lượng, thiếu đa dạng về chủng loại khiến người dân ngày càng ít đến chợ.
Lời giải cho bài toán nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, xây mới các khu chợ truyền thống
Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện ở tốt hơn cho một bộ phận người dân và dần tạo một bộ mặt đô thị mới văn minh, hiện đại. Xác định đây là nhiệm vụ lớn và khó, Nhà nước và thành phố đã chung tay xây dựng hành lang pháp lý khá đầy đủ để thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng các khu chợ cũ.
Song vấn đề quan trọng là làm thế nào để những cơ chế, chế tài này đi vào cuộc sống, tháo gỡ được bản chất vướng mắc hiện nay - tạo sự hài hòa về lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và các tiểu thương.
Trong đó, mấu chốt để gỡ nhanh các vướng mắc, nút thắt hiện nay, đó là vẫn phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, động lực phát triển chứ không thể giữ cơ chế bao cấp như đã từng diễn ra.
Qua đó, thành phố phải có cơ chế công khai, tìm kiếm các nhà đầu tư có chuyên môn, năng lực. Có thể cân đối, điều chỉnh các khoản mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước như tiền thuê đất, thuế, phí… để giúp doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận tối thiểu dựa trên các khoản thu từ chợ.
Ngoài ra, Thành phố cần sớm triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cho đầu tư, cải tạo, khai thác kinh doanh chợ thông qua phương thức hợp tác công - tư (PPP). Đây là cách làm mà nhiều nước trên thế giới nhiều nước đã thực hiện thành công, đối với Việt Nam dù là mới nhưng rõ ràng xu hướng này là tất yếu và không thể đảo ngược.
 Khu chợ trung tâm tại Thủ đô Budaoest, Hungary.
 Khu chợ Arcade, Cleveland, bang Ohio, Hoa Kỳ xây dựng năm 1890, được cải tạo vào các năm 1939 và 2001.
Dựa trên kết quả khảo sát thực tế, phân tích các đề xuất, giải pháp, lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu mô hình,
phương thức tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á… Hiện nay, đang có rất nhiều nhóm giải pháp nhằm giải quyết vấn đề cải tạo chợ cũ ở Hà Nội đang ách tắc, trì trệ, trong đó nêu bật lên nội dung: Hệ thống chợ sau khi được xây mới, cải tạo nâng cấp phải hướng tới chợ là điểm giao thương kinh tế phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đảm bảo văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, chợ cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng mang đậm văn hóa địa phương với nhiều điểm nhấn về kiến trúc và văn hóa…
Hiện nay, với công nghệ xây dựng chợ mới mà nhiều nước tiên tiến đang áp dụng, chỉ trong thời gian rất ngắn từ 50-90 ngày (kể từ khi được bàn giao với mặt bằng rộng hàng chục nghìn m2), việc thi công móng, thi công lắp dựng các tầng cho đến hoàn thiện, lắp đặt thiết bị, phòng cháy chữa cháy sẽ hoàn thành. Đảm bảo các hạng mục từ hệ thống phòng cháy, chữa cháy; lắp điện; cấp thoát nước, sân đường giao thông và cây xanh… được hoàn thiện đồng bộ, đúng tiến độ theo cam kết.
Để đảm bảo tính khả thi, lợi ích của các tiểu thương và người dân, Thành phố Hà Nội cũng cần ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, thế mạnh về công nghệ, uy tín trong kinh doanh , năng lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn đảm bảo thời gian thi công ngắn, phương án thiết kế hiện đại, phù hợp cảnh quan, kiến trúc tổng thể, đặc biệt không làm xáo trộn tập quán kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương và thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa của người dân.
Theo Phan Anh Tuấn/Mặt trận