Trong bối cảnh cả nước đang sục sôi cuộc chiến chống lãng phí, thì Dự án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiêu tốn đến hơn 11 nghìn tỷ đồng để rồi lâm vào cảnh thiếu tiền, khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Bởi, nó liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân, chủ thể đóng thuế. Mới đây, việc Bộ Tài chính có chủ trương tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đã khiến nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng người nghèo thêm ảnh hưởng. Chúng ta không thiếu những bài học về các dự án với kinh phí khổng lồ nhưng thiếu tầm nhìn xa, hiệu quả lại không như mong muốn.
|
Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn thiếu tiền. |
Có thể, sắp tới, bài toán kinh phí để hoàn thiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ có kết quả khả quan, không thể để một công trình tốn kém như thế mãi trong cảnh ngổn ngang.
Vấn đề mọi người quan tâm, sau lễ khánh thành tưng bừng, bảo tàng này có “ăn nên, làm ra”, thu hút được khách tham quan, hay lại sống trong cảnh vật vờ như quá nhiều bảo tàng trên khắp 3 miền?
Mọi người hẳn còn nhớ cảm giác tưng bừng lễ khánh thành Bảo tàng Hà Nội, tọa lạc ở vị trí đất vàng 50.000m2 , vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, nhưng giờ đang vắng khách.
Với bảo tàng, giá trị không nằm ở số tiền đầu tư, lớn hay bé, mà ở sức hút hiện vật, sự lay động trái tim khách tham quan. Đấy phải là địa chỉ mà du khách muốn tìm đến, đến một lần rồi muốn trở lại. Đấy là nơi trải nghiệm nhiều giá trị cho cộng đồng, nhất là các em học sinh,
Nếu bạn từng tham quan các bảo tàng ở ta đều cảm nhận rất rõ một thực tế:
Kết cấu trưng bày cứ na ná nhau theo kiểu thiên nhiên đất nước con người; tiền - sơ sử; phong kiến; thời Pháp thuộc; thời chống Mỹ và thời kỳ đổi mới... Tóm lại là đơn điệu, dễ giải đáp vì sao luôn trong tình trạng “đói” khách.
Nước ta còn nghèo, nhưng nhiều nơi luôn thích xây bảo tàng, tượng đài, công trình… kỷ lục. Nó thành một cái nếp, để rồi xảy ra nhiều chuyện rất tréo ngoe.
Vừa rồi, về thăm quê, tôi phi xe máy tìm đến xã làng giềng - Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An để tận mắt chiêm ngưỡng cái trụ sở xã đã “hân hạnh” được lên báo. Chẳng là, để chạy đua với tiến độ chuẩn nông thôn mới, là một xã nghèo nhưng Nghĩa Đồng đã vung tay đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã đến 18 tỉ đồng, trong đó xây công trình phụ trợ như tường rào, cổng... tốn tới gần 6 tỉ đồng.
Kết quả là xã phải ôm cục nợ đến 30 tỷ đồng. Đời sống bà con vẫn chẳng no ấm hơn từ ngày xã có trụ sở hoành tráng, nhận đủ bằng khen. Nghĩa Đồng chỉ là một trong vô số xã lâm nợ trên toàn quốc, vì bệnh thích “chơi trội”.
Trở lại câu chuyện “giải cứu” Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nếu có phép màu, hẳn nhiều người mong muốn công trình này dừng lại, hoặc không cần xây tốn kém đến hơn 11 nghìn tỷ đồng như thế.
Đợi đến lúc đất nước giàu mạnh hơn sẽ làm. Còn, giờ đây quá nhiều việc cần ưu tiên hơn, như xây trường học cho các em học sinh vùng sâu, xa. Như, góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục, nâng cao đời sống giáo viên; như giúp đỡ người nghèo…
Viết đến đây, lại nhớ câu thơ của Tố Hữu về Bác, có lẽ cũng là tóm tắt ngắn gọn nhất những việc cần học tập Người: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Theo Hữu Quý/ Thể Thao & Văn Hóa