Người ta biết đến bà, ngoài cái vẻ đẹp trời phú, một cuộc đời đầy sóng gió, song có lẽ, với “vai trò” người đàn bà đầu tiên được “ông trùm” Năm Cam gọi bằng vợ làm bà nổi tiếng hơn. Nhưng nói về người đàn ông một thời khiến nhiều tên giang hồ khét tiếng phải nể sợ, làm bao người dân hoang mang và từng làm bà đau lòng, bà Nguyệt vẫn rất ân tình: “Dù ông ấy bỏ rơi mẹ con tôi, nhưng tình nghĩa vợ chồng một ngày cũng nên. Những khi ông ấy hoàng kim thì tôi kệ, nhưng bao nhiêu lần gặp nạn là bấy nhiêu lần tôi lo lắng. Cũng chỉ mong, ba của con trai tôi bình yên, để nó được hưởng những gì mà một đứa con cần ở người cha, nhưng có vẻ như mọi cố gắng của tôi đều bất lực trước những việc làm quá phạm pháp từ ông ấy. Dù thế nào, tôi vẫn không bao giờ hận gì ông ấy cả, cái nghiệp ông ấy nó vậy rồi”.
Từ chối những gia đình danh gia vọng tộc để cưới Năm Cam vì muốn làm tròn đạo hiếu
Với khuôn mặt cá tính, đôi mắt tuy già nhưng vẻ tinh anh vẫn còn y nguyên của thời xuân sắc. Thoạt nhìn, không ai nghĩ bà Mai Thị Nguyệt ngày xưa hiền lành đến độ nhút nhát. Bởi, nhìn bà người ta hình dung ra bà là người phụ nữ xinh đẹp và sắc xảo. Nhưng đó chỉ là cuộc đời tạo nên bà như thế, còn lúc mới lớn, bà cực kỳ nhu mì và có phần nhu nhược. Vậy nên, bà mới nghe lời ba mẹ mà đi lấy “ông trùm” giang hồ Năm Cam, dù thực chất trái tim bà không hề rung động trước gã trai dẻo mép ấy.
|
Bà Nguyệt đang chia sẻ với PV về ký ức. |
Nguyện cầu cho chồng cũ thoát án tử
Có lẽ, hầu như người dân cả nước ai đã biết, đọc qua tiểu sử của “ông trùm” giang hồ Trương Văn Cam (tên thường gọi là Năm Cam, ngụ quận 4, TP. HCM), thì ai cũng biết gã giang hồ cộm cán này có nhiều vợ và tình nhân. Trong đó có Trúc “mẫu hậu” là người không những làm vợ, mà là đã đồng hành cùng “ông trùm” Năm Cam trong nhiều công việc phi pháp. Nhưng người dân quận 4, nơi Năm Cam từng sinh sống từ thời chưa “xưng hùng xưng bá” thì người ta nhắc đến bà Mai Thị Nguyệt (SN 1947, ngụ quận 4, TP. HCM- tên thường gọi là Năm Nguyệt) nhiều hơn.
Cũng chẳng vì bà đã từng là hoa khôi một thời, cũng chẳng phải vì bà từng sinh cho Năm Cam một đứa con, mà bà là người đàn bà duy nhất đối đãi tốt với “ông trùm”. Dù bị Năm Cam ruồng bỏ, nhưng hễ Năm Cam bị nạn, là bà có mặt, ngay cả lúc Năm Cam ra tòa, bà Nguyệt đã cắt tóc với lời cầu nguyện “nếu Năm Cam được thoát án tử hình, con sẽ suốt đời cắt tóc ăn chay”.
Nhưng có lẽ, trời có thương bà tới đâu cũng chẳng thể cứu rỗi Năm Cam khi hắn gây quá nhiều tội ác. Điều đặc biệt là khi Năm Cam bị đưa ra pháp trường, mọi bóng hồng được hưởng lộc của Năm Cam đều mất hút, chỉ có người đàn bà Năm Cam rũ bỏ là quỳ gối trước mộ hắn. Những giọt nước mắt của bà dù có chảy bao nhiêu, cũng chẳng gột rửa hết tội lỗi cho người đàn ông từng được bà gọi là chồng.
“Tôi vẫn thương nhưng không thể sống cùng”
Con hẻm nhỏ vào nhà bà Nguyệt chỉ nhỏ đúng lọt một người đi, ở cái hẻm nổi tiếng quận 4 này, ai cũng biết tên “bà Năm Nguyệt bói bài tây vợ cũ Năm Cam”. Chẳng khó khăn gì chúng tôi tìm đến nhà bà, một vài khách đến xem bói mặt vui vẻ khi ra về. Bà nhìn chúng tôi, hồn nhiên hỏi: “Các con ở đâu sao lạ quá ta?”. Chúng tôi giới thiệu về mình, bà hỏi thêm: “Sao ở xa vậy mà biết bà?”. Chúng tôi thành thật bảo, chúng tôi đọc được thông tin bà nhiều trên các trang báo mạng, bà xua tay bảo: “Nhà báo viết còn thiếu nhiều lắm, cuộc đời của tôi còn nhiều cái hay hơn vậy. Nhưng tôi có bản lĩnh riêng của mình, tôi không giống như bà Trúc. Tôi sống bằng cái tâm, bằng cái uy của tôi, chứ chẳng dựa dẫm gì vào Năm Cam hết nha”.
Rồi như được “cởi tấm lòng”, bà Nguyệt hồ hởi kể về thời trẻ của bà. Nhớ lại cái thời “hoàng kim” ấy, bà như nuối tiếc: “Tôi sinh ra trong gia đình gia thế, nhà tôi giàu lắm. Tôi được đi học đàng hoàng, chứ không phải đi gánh nước thuê như bà Trúc. Ngày đó mới 14, 15 gì đó, tôi đã có rất nhiều người đến hỏi lấy làm vợ, nhưng ba tôi chê”.
Bà kể, dù đi học, nhưng cái thời đó con gái đến tuổi 15 đa số phải lấy chồng. Mẹ bà vốn là người đàn bà truyền thống, bà Nguyệt nhắc lại lời mẹ: “Mẹ tôi là người phụ nữ công dung ngôn hạnh, bà thường nói với tôi, con gái lớn phải lấy chồng. Đàn bà, chẳng làm quan làm tướng được, chỉ cần lấy một người chồng tốt là được nương nhờ rồi”.
Ba của bà Nguyệt cũng đồng ý quan điểm với mẹ bà, nhưng lúc có một người đàn ông đẹp trai, giàu có đến nhà hỏi cưới, sau một thời gian tìm hiểu, ba bà Nguyệt bảo: “Cái thằng đó nó cũng được, nhưng con là con gái mới lớn, nó từng bỏ vợ. Mà đàn ông bỏ vợ thì chẳng ra gì đâu, nên ba không gã nó cho con”. Lần khác, có một “thiếu gia” con nhà buôn vải nức tiếng Sài thành lúc bấy giờ đến hỏi làm vợ, ba của bà Nguyệt lại lôi bà vào ngăn cản: “Thằng này nhà nó giàu, nhưng do ba mẹ nó gây dựng lên. Nó mới mười mấy tuổi đầu, mà vũ trường nào cũng biết, con gái nhà ai đẹp cũng từng đến dạm hỏi, thì nó cũng chẳng ra gì. Của cải do mình tạo mới bền, chứ của ba mẹ thì mồm ăn núi lỡ, nên con đừng có ham chi vài cái thứ ấy. Con tuổi còn trẻ, còn xinh đẹp nên chẳng gì phải lo”.
Sau đó, có một chàng trai cũng lớn tuổi, làm thông dịch viên, đến hỏi bà Nguyệt, ba bà cũng không ưng, vì theo ông thì nhìn anh chàng này hào hoa, không thể tin được. Lý giải cho điều này, ba bà Nguyệt phân tích: “Đàn ông mà quần áo bóng bẩy, ăn nói thì ngọt ngào quá, là phụ nữ theo nhiều, sau này con khổ”.
"Không lấy Năm Cam thì ra đường mà ở"
Đó là lời ba của bà Nguyệt, bà Nguyệt dù lúc gặp Năm Cam cũng chẳng ưng. Nhưng suốt ngày ba bà bắt bà phải lấy, khi thấy con gái vẫn cứng đầu, ba bà Nguyệt nói dứt khoát: “Bây giờ tao chỉ ưng mỗi thằng Năm, mày mà không lấy nó, mày ra đường mà ở. Hay sau này mày ưng ai, mày cuốn gói mà theo thằng đó, nhà này không chứa con gái cãi lời ba mẹ”.
Trước những lời quá “đanh thép” của ba, bà Nguyệt lặng lẽ gật đầu về làm vợ Năm Cam.
Kể đến đây, bà Nguyệt cười ha hả: “Ba tôi lạ lắm, người ta sao ổng cũng chê được hết à, nhưng tôi thấy người ta cũng đàng hoàng lắm. Ông không ưa là ông không gả con gái thôi, tôi ngày đó cũng còn nhỏ, nên ba tôi nói sao nghe vậy, chứ có biết yêu đương gì đâu”.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất đến với đời bà Nguyệt, đó là vào năm 15 tuổi, anh trai của bà Nguyệt nói với ba: “Ba ơi! Con có thằng bạn, nó tuy nghèo nhưng gia đình hiền lành, lại chỉ có hai chị em. Nó chăm làm ăn lắm, ra chợ buôn bán rồi. Con Nguyệt nhà mình mà lấy nó, thì yên tâm ba ạ, nó ngoan ngoãn và biết sống lắm”. Cũng chính vì lời này, cộng với việc khi gặp ba bà Nguyệt, Năm Cam tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép, nên đã lọt vào mắt xanh “nhạc phụ”.
Bà Nguyệt tâm sự: “Tôi nói cho cô nghe, ngày đó ông Năm đến gặp ba tôi, ổng một dạ hai vâng. Ba tôi vốn gia giáo, chẳng tham giàu mà gả con, chỉ cần ngoan ngoãn và biết làm ăn là ổng ưng. Ba tôi đâu biết, ông Năm ông cô hồn các đảng ngoài đường, chỉ là gặp ông già vợ tương lai, ông muốn gả con gái nên ông mới vậy”.
Thấy Năm Cam hiền lành, ba của bà Nguyệt gật gù ngay. Sau đó, ba bà Nguyệt kêu bà Nguyệt vào bảo: “Cái thằng Năm này tướng tá nó dễ thương, tao nhìn là được lắm. Nó con nhà nghèo nhưng lễ phép, có gia giáo. Thời buổi này mà có người như vậy là hiếm, nên ba quyết định gã con cho nó”.
(Còn nữa)
Theo Hương Trần /Công Lý