Thông tin về việc Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm bị khởi tố để điều tra “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan việc mua hệ thống Realtime PCR tự động, mới đây, một lãnh đạo C03 (Bộ Công an) cho biết, bước đầu đơn vị này đã xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỷ đồng.
Dư luận quan tâm, CDC Hà Nội “ăn bẩn” khi mua một hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR hay nhiều hệ thống máy này? Bởi thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, hiện CDC Hà Nội đang vận hành 8 máy xét nghiệm Reatime PCR.
|
Bị can Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm vừa bị khởi tố. |
Trao đổi với PV Kiến Thức chiều 24/4, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khi trả lời về câu hỏi CDC Hà Nội đã mua bao nhiêu hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR chỉ cho biết, cơ quan điều tra chưa có kết luận nên Sở cũng chưa thông tin gì cụ thể được.
Theo như thông tin từ lãnh đạo C03 hệ thống Realtime PCR tự động mà CDC Hà Nội mua vào có giá 7 tỷ đồng trong khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ. Như vậy, số tiền chênh mà nhà nước thất thoát lên đến 4,7 tỷ đồng. Con số thất thoát này sẽ tăng lên khi số lượng hệ thống Realtime PCR mà CDC Hà Nội đã mua vào nhiều hơn một hệ thống. Việc này khiến dư luận hoài nghi Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm đã "ăn bẩn" tiền khủng từ "thương vụ" máy xét nghiệm COVID-19?
Lỗi cố ý… nhằm trục lợi?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Luật Đấu thầu quy định, các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và chỉ định thầu.
Theo điều 22, Luật Đấu thầu 2013 quy định chỉ định thầu được áp dụng với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, áp dụng với gói thầu có giá trị trong hạn mức không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật quy định. Luật đấu thầu nghiêm cấm hành vi gian lận, cụ thể là trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trường hợp nhà thầu được chỉ định thầu nhưng gian lận, thông đồng, cố tình làm sai lệch hồ sơ, sai lệch thông tin nhằm nâng khống giá trị gói thầu để thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 222 BLHS hiện hành.
Như vậy, pháp luật đã có những quy định chặt chẽ về hoạt động đấu thầu, quy trình thủ tục, hồ sơ các cách thức, trình tự thủ tục thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân mà vẫn có các hành vi vi phạm đấu thầu xảy ra.
Có thể do việc giám sát thực hiện không tuân thủ quy định hoặc do kiến thức, hiểu biết hạn chế của những bên tham gia đấu thầu; hoặc do người tham gia đấu thầu vì ham lợi ích, vật chất trước mắt mà bỏ qua mặt đạo đức, pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, với vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội các đối tượng đều là cán bộ có học hàm, học vị, có thâm niên công tác nhiều năm trong nghề do đó không thể nói là không biết quy định, mà đây phải xác định là lỗi cố ý.
Trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực tập trung phòng, chống dịch bệnh, thậm chí nhiều cá nhân, tổ chức đã có các hình thức thiện nguyện hỗ trợ nhà nước, nhân dân chống dịch thì hành vi trục lợi từ tình hình dịch bệnh của những đối tượng này nếu có là không thể chấp nhận được.
Do đó cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng điều tra làm rõ động cơ, mục đích, hành vi của những đối tượng này để sớm hoàn thiện hồ sơ và xử lý các đối tượng thật nghiêm khắc, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Có tăng nặng khi phạm tội trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19?
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự TAT Law firm cho rằng, hiện nay, cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch COVID-19. Do vậy, bất cứ hành vi nào nào gây ảnh hưởng tới hoạt động phòng chống dịch bệnh đều đáng bị lên án và phải kịp thời xử lý nghiêm. Đồng thời đánh giá cao việc cơ quan điều tra CO3 nhanh chóng vào cuộc để xác minh, khẩn trương khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu” là hoàn toàn có cơ sở. Đồng thời cho rằng, khởi tố vụ án mới chỉ là hoạt động ban đầu để mở ra một quy trình tố tụng chứ chưa phải là hoạt động có ý nghĩa kết luận về tội danh mà các bị can thực hiện. Trong quá trình điều tra vụ án, nếu nhận thấy hành vi khách quan mà các bị can đã thực hiện, tư cách chủ thể của các bị can… cấu thành một tội danh khác liên quan tới chức vụ, quyền hạn như các tội danh về tham nhũng thì CQĐT sẽ tiến hành thay đổi quyết định khởi tố đối với các bị can.
|
Luật sư Đặng Xuân Cường. |
Theo luật sư Cường, tại Điều 222 BLHS năm 2015 quy định về "Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định hành vi phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Như vậy, trong vụ việc nêu trên, trước khi khởi tố vụ án phía cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ được thiệt hại mà các đối tượng này gây ra là từ 1 tỷ đồng trở lên. Khi bị khởi tố ở khoản 3 Điều 222 BLHS năm 2015, bản thân các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên tới 20 năm tù.
Luật sư Cường nhận định, đây là khung hình phạt của tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu bị kết án người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung đó là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra theo luật sư Cường, việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là tình tiết bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Chính phủ và Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có chỉ đạo, hướng dẫn về việc xử lý những hành vi phạm tội liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, sẽ áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với kẻ đầu cơ, trục lợi hay lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Các bị can sẽ đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể với khung cao nhất của tội danh.
Sở Y tế Hà Nội có phải chịu trách nhiệm?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trong khi nhân dân cả nước cùng chung tay với Chính phủ chiến đấu với dịch bệnh. Những mẹ già phải lặn lội góp từng cân gạo, những mẹ liệt sỹ phải dành cả phần tiền hương khói của con mình, các em thơ phải đập cả con heo đất thì hành động của nhóm đối tượng này thật là vô cảm, khó mà chấp nhận được.
Theo luật sư Bình, nhóm bị can trong đó có 3 cán bộ CDC Hà Nội là những người được Nhà nước giao trọng trách kiểm soát bệnh tật. Đáng lẽ, họ phải cùng cả nước chung tay chống dịch đem lại sự sống cho người dân thì họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chính sách mua sắm máy móc, thiết bị y tế để nâng khống giá, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Hành vi của các bị can đã cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc. Do đó, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan nếu có.
Đáng chú ý, Luật sư Bình cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để cho trung tâm này thực hiện những việc như đã nêu trên.
Theo quy định tại Luật đấu thầu, người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
“Là đơn vị chủ quản của CDC, việc mua sắm vật tư phòng dịch được giao toàn quyền cho Sở Y tế thực hiện. Việc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, cán bộ tiến hành các hoạt động trên là thực hiện công việc theo thẩm quyền được phân công và phải có trách nhiệm với công vụ nêu trên. Như vậy có thể thấy trong trường hợp này, người đứng đầu phải là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chứ không phải là Giám đốc CDC và đương nhiên Sở phải chịu trách nhiệm này”, Luật sư Bình cho biết.
>>> Mời độc giả xem video CDC Hà Nội "hô biến" máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng
Hải Ninh