Trao đổi với PV Dân Việt chiều 21.4, ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông - cho biết: "Sự việc cà phê nhuộm pin vừa qua chỉ là cá biệt, chứ không phải ở đâu cũng thế, thực tế là từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa xảy ra vụ việc nào như vậy cả".
|
Cơ quan công an thu giữ lõi pin tại cơ sở của bà Loan. |
Về công tác kiểm tra, giám sát, ông Yên nói: "Khi xảy ra sự việc này thì ngành nông nghiệp tỉnh rất buồn. Tất nhiên theo phân cấp thì cơ sở kinh doanh của bà Loan là do UBND huyện Đắk R'lấp cấp phép và kiểm tra, nhưng mình phải xác định công tác kiểm tra giám sát thì toàn ngành, cả tỉnh và huyện. Vụ này do cảnh sát môi trường vào cuộc, phối hợp với ngành nông nghiệp phát hiện.
Chúng tôi cũng xem đây là bài học để từ đó rút kinh nghiệm, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát, nhất là với các hành vi bị nghiêm cấm. Nhưng cần nói thêm là người ta làm lén lút, hoạt động rất tinh vi, cơ sở của bà Loan được cấp phép thu mua nông sản chứ không phải chế biến cà phê".
Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng bắt quả tang cơ sở thu mua cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi dùng hỗn hợp nước và lõi pin Con Ó đập nhuyễn để ngâm tẩm, nhuộm vỏ cà phê và các loại cà phê phế thải, một sự lo ngại đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt, thậm chí một số người còn có ý định tẩy chay cà phê.
|
Vỏ pin, lõi pin còn lại sau khi đập lấy lõi tại cơ sở bà Loan. |
Về việc này, ông Yên cho biết: "Để xây dựng được thương hiệu của một hộ sản xuất, một doanh nghiệp, địa phương không phải đơn giản, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Do vậy họ phải chăm chút, đầu tư, đặt chất lượng và uy tín lên hàng đầu.
Các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo các tiêu chí về chất lượng, VSATTP đã quy định. Như tôi đã nói, sự việc trên tất nhiên là đáng tiếc, nhưng chỉ là cá biệt. Về cơ bản sản phẩm cà phê được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn".
Trong khi đó, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết, giao dịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là mua bán cà phê nhân nên mức độ ảnh hưởng không lớn, riêng với sản phẩm pha chế ở hàng quán thì ít nhiều có ảnh hưởng, chẳng hạn thay vì dùng cà phê thì người ta gọi đồ uống khác.
Cũng theo ông Lộc, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác định cơ sở của bà Loan có hành vi dùng hỗn hợp nước và lõi pin để ngâm, tẩm, nhuộm vỏ cà phê và cà phê thải loại rồi đóng bao. Nhưng mục đích của hành vi này là gì, có phải sản xuất ra đồ uống hay không thì đang tiếp tục điều tra, làm rõ để có cơ sở xử lý.
Theo Đặng Trung Kiên/Dân Việt