Sai phạm của giám đốc trung tâm đăng kiểm học đến lớp 3, không biết chữ
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1, thông tin chi tiết kết quả điều tra các Trung tâm đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, có Giám đốc một Trung tâm đăng kiểm khi bị bắt, Cơ quan điều tra yêu cầu viết tường trình thì khai không biết chữ, không viết và không đọc được.
“Khi hỏi lại thì khai học đến lớp 3, cách đây 50 năm mà lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm, rất liều lĩnh", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh và cho biết, đây là Giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D.
|
Trung tâm kiểm định 50-17D |
Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, quá trình làm rõ sai phạm của Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè), Cơ quan điều tra đã phát hiện Trung tâm đào đạo, sát hạch lái xe Thành Công (huyện Nhà Bè) có mối liên quan đến hành vi vi phạm của Trung tâm đăng kiểm 50-17D tại huyện Nhà Bè trong việc đăng kiểm cho khoảng 120 phương tiện giao thông xe ô tô không đảm bảo tiêu chuẩn để Trung tâm đưa vào hoạt động dạy lái xe; có nguy cơ gây nguy hiểm cho hoạt động dạy học lái xe tại trường.
Đây cũng là nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo học viên và chất lượng của học viên khi được cấp Giấy phép lái xe. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM và Công an huyện Nhà Bè đang tiếp tục tập trung làm rõ nội dung sai phạm liên quan đến Trung tâm Đăng kiểm và Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe này.
Thời gian qua, Công an TP HCM cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, riêng Công an TP HCM đã ra lệnh khám xét 12 Trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can cho các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Các trung tâm kiểm định này bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không đảm bảo quy chuẩn. Chẳng hạn, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác, chỉ nộp tiền xong là đảm bảo tiêu chuẩn. Rồi sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi các thông số kiểm định và tính chất vi phạm. Ví dụ, trong máy tính có 2 đầu đọc thì chỉ cắm 1 đầu, còn bỏ 1 đầu, như vậy xe vẫn đạt tiêu chuẩn.
Sơ bộ ước tính có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật như thế này và các Trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, và thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số Trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới. Ví dụ, quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai; thậm chí có giám đốc 1 Trung tâm kiểm định không viết được, không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là giám đốc Trung tâm kiểm định 50-17D Nhà Bè.
Những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân.
“Chúng tôi coi những hành vi trên là những "virus Việt Á" trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông và Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn virus này trên phạm vi toàn quốc. Số bị can chắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Xô nói.
'Ông trùm' đứng sau loạt trung tâm đăng kiểm
Theo Công an TPHCM, "ông trùm" Trần Lập Nghĩa (47 tuổi, quê Sóc Trăng) là người đứng sau hàng loạt trung tâm đăng kiểm có vi phạm.
Cụ thể, Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc 5 Trung tâm gồm Trung tâm Đăng kiểm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-03D (tỉnh Tiền Giang).
Đáng chú ý, tại các Trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm Giám đốc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM phát hiện nhóm hành vi “giả mạo trong công tác” với thủ đoạn lập danh sách Đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Trần Lập Nghĩa cũng chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các Đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Qua đó đã cấp khoảng 52.291 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô đến đăng kiểm trái với quy định nhằm thu lợi bất chính…
Liên quan vụ việc trên, ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM chủ trì phối hợp với Công an TP Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (địa chỉ 18 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Sau khi cơ quan công an đọc lệnh khám xét, một số nhân viên giữ tài liệu vắng mặt được triệu tập đến để tiến hành kiểm tra.
Bên cạnh nhiều chồng hồ sơ, giấy tờ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Kiểm định xe cơ giới; các quyết định về nhân sự; các quyết định thành lập tổ kiểm tra hoạt động đăng kiểm... lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp kiểm tra các máy tính chung của phòng có chứa dữ liệu hình ảnh về các trạm đăng kiểm, các máy tính cá nhân có dữ liệu điện tử để phục vụ công tác điều tra.
Vụ việc đang được điều tra, làm rõ…
>>> Mời độc giả xem thêm video 20 năm tù cho Chánh Thanh tra Quân đội nhận hối lộ
Tâm Đức