Gián trong bữa ăn trường Nguyễn Văn Linh - TPHCM: Kỷ luật hiệu trưởng?

Google News

"Địa phương để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, lãnh đạo địa phương đó phải vào cuộc xử lý, phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng" - PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII trao đổi về vấn đề VSATTP trên báo chí.

Liên quan đến vụ việc học sinh phát hiện gián trong khay thức ăn ở trường THPT Nguyễn Văn Linh, quận 8 (TP.HCM), trao đổi với báo chí, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, Sở đã nắm được thông tin và cán bộ Phòng Chính trị tư tưởng đã xuống làm việc với nhà trường.
Gian trong bua an truong Nguyen Van Linh - TPHCM: Ky luat hieu truong?
 Con gián trong phần thức ăn tại căn-tin trường THPT Nguyễn Văn Linh.
Theo ông Dũng, đây là phản ánh từ học sinh nên Sở sẽ xác minh lại sự việc bằng nhiều cách như kiểm tra lưu mẫu thức ăn hôm đó, hàng hóa nhập về ra sao, năng lực của công ty cung cấp suất ăn... Nếu đúng như phản ánh, Sở sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu công ty này dừng cung cấp suất ăn cho trường.
"Đối với những thông tin và báo cáo của hiệu trưởng về vụ việc, sở thấy chưa đầy đủ, trường chưa làm đủ trách nhiệm, không thể nói không tìm ra nguyên nhân từ đâu. Vì vậy, Sở đã yêu cầu trường làm lại báo cáo cụ thể, khi tiếp nhận thông tin phản ánh, nhân viên căn-tin đã báo cáo Ban giám hiệu như thế nào, lãnh đạo nhà trường đã xử lý ra sao" - ông Dũng trả lời báo chí.
Theo luật sư Hoàng Tùng, đoàn luật sư TP. Hà Nội, việc có gián trong suất cơm phần lớn trách nhiệm thuộc về đơn vị cung cấp. Phía nhà trường phải  tiến hành rà soát lại các khâu từ đầu nguồn cung cấp đến chế biến rồi bán cho học sinh ăn.
Từng luận bàn về vấn đề thực phẩm bẩn trong môi trường giáo dục trên báo Lao Động, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, những vụ việc học sinh ăn phải ruốc gà nhiễm độc tố tụ cầu vàng ở Ninh Bình, thịt ôi ở Hà Giang, phụ huynh ở Bà Rịa-Vũng Tàu "tố" trường mầm non nấu cơm cho học sinh ăn bằng gạo mốc xanh… đều rất nghiêm trọng. Bởi đối tượng bị ngộ độc, bị ảnh hưởng là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp.
“Hiện nay, nhiều trường học đã có bếp ăn tập thể, để phục vụ bữa ăn bán trú của trẻ. Khi được phụ huynh tin tưởng, nhà trường phải làm hết trách nhiệm của mình, không chỉ dạy mà còn nhận nhiệm vụ chăm nuôi các con.
Đặc biệt học sinh mầm non, tiểu học - lứa tuổi non nớt, sức đề kháng kém, cần phải bảo vệ chăm sóc hơn ai hết.
Vì thế, vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học phải được chú trọng hàng đầu, bởi nếu để xảy ra sẽ gián tiếp làm hủy hoại một thế hệ. Không được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, trẻ sẽ không đủ sức khỏe và không thể học tập được”- PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Gian trong bua an truong Nguyen Van Linh - TPHCM: Ky luat hieu truong?-Hinh-2
PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ về trách nhiệm của người đứng đầu trường học, cơ sở cung cấp thực phẩm khi để xảy ra vấn đề thực phẩm bẩn.
Cũng theo PGS.TS An, khi một địa phương nào đó xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, lãnh đạo địa phương đó phải vào cuộc xử lý, phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng mới đủ sức răn đe.
Bà kiến nghị, những vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học cần phải tìm ra ai là người ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thức ăn? Ai là người chịu trách nhiệm giám sát nguồn thực phẩm, mà để ruốc bẩn, thịt thiu, gạo mốc vẫn vào được trường học, nấu cho trẻ em ăn? Chỉ có quy trách nhiệm đến cùng, xử lý rốt ráo thì mới đủ sức răn đe.
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các trường cần có cơ chế giám sát được nguồn thực phẩm, bữa ăn trong trường học, không thể lấy lý do nào đó để phó mặc tính mạng của học sinh.
Bà cũng cho rằng, những đơn vị cung cấp thức ăn cho các trường học cần được lựa chọn kỹ. Những đơn vị nào bị phát hiện đưa thực phẩm bẩn vào trường học phải bị xử lý hình sự và vĩnh viễn không cho hoạt động trong lĩnh vực này.
"Bao nhiêu cơ quan chẳng lẽ không bảo vệ được bữa ăn của trẻ? Bữa ăn học đường liên quan đến sức khỏe, tính mạng trẻ em, nên không thể đùa và lơ là được" - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Có thể thấy rằng, vấn đề an toàn thực phẩm trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng đã rất quan trọng thì ở trong môi trường giáo dục lại càng phải được chú trọng cao nhất của sự an toàn. Trường hợp phản ánh tại trường THPT Nguyễn Văn Linh, như ý kiến của luật sư và các ý kiến nêu trên, thiết nghĩ cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thực phẩm, người đứng đầu bếp ăn của nhà trường và cả trách nhiệm liên đới của hiệu trưởng (nếu có).
Trước đó, ngày 4/3, cô Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8, TP.HCM) thông tin nhà trường nhận được phản ánh một suất cơm trưa tại căn-tin có gián. Người phản ánh là học sinh lớp 11.
Cụ thể, trưa ngày 4/3, học sinh đến căn-tin đổi phiếu ăn lấy suất cơm trưa. Khi nhận, em thấy có gián trong suất ăn. Ngay lập tức, học sinh đưa lại suất cơm cho nhân viên căn tin và được đổi một phần cơm khác. Nhưng sau đó, em cũng không ăn suất cơm đã được đổi.
Theo cô Quỳnh Giao, ngay sau khi nhận thông tin, nhà trường đã yêu cầu nhân viên căn-tin viết bản tường trình và rà soát lại toàn bộ quy trình cung cấp thực phẩm, chế biến thức ăn. Căn-tin báo cáo không có sai sót trong quá trình thực hiện. Nhà trường không thể truy tìm nguyên nhân chính xác.
Được biết, mỗi suất cơm trưa tại căn-tin của Trường THPT Nguyễn Văn Linh có giá 27.000 đồng, do một công ty nấu ăn thực hiện, đơn vị này có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do thành phố cấp. Nhà trường cũng không bắt buộc học sinh phải ăn tại căng tin của trường.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Hà Nội cho phép điều chỉnh giờ học trong những ngày rét đậm

Nguồn: Pháp luật Việt Nam


Hiểu Lam