Giao thông TPHCM tắc nghẽn vì “vỡ trận” quy hoạch taxi

Google News

Số lượng taxi tăng đột biến trong khi hệ thống bến bãi gần như bằng "0", giao thông TPHCM tắc nghẽn do vỡ trận quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố, 

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, dự báo  số lượng taxi tại TPHCM đến năm 2020 đạt  khoảng 12.700 xe.  Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, số lượng taxi tại TPHCM  thực tế là 26.404 xe (gồm 11.060 xe taxi truyền thống + 15.344 xe dạng Uber, Grab), vượt gấp đôi mức dự báo của năm 2020. Với số lượng taxi tăng đột biến thời gian vừa qua, trong khi hệ thống bến bãi gần như bằng “0” đã làm vỡ trận quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố, và đây cũng là một nguyên nhân gây giao thông TPHCM  tắc nghẽn ngày một nghiêm trọng.
Giao thong TPHCM tac nghen vi “vo tran” quy hoach taxi
Mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 lượt taxi ra vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất khiến giao thông các trục đường xung quanh sân bay quá tải. 
Taxi phát triển vượt gấp đôi quy hoạch của năm 2020
Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, dự báo số lượng taxi tại TPHCM đến năm 2015 đạt khoảng 9.500 xe và đến năm 2020 sẽ đạt 12.700 xe. Thế nhưng, những năm qua số lượng xe taxi tại TPHCM lại tăng đột biến, nhất là sự ra đời ồ ạt của loại hình taxi kết nối với các ứng dụng công nghệ trên điện thoại (Uber, Grab) đã khiến thành phố gần như không kịp trở tay, làm phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố.
Qua tìm hiểu của PV được biết, vào thời điểm 6.2010, số lượng xe taxi trên địa bàn TPHCM khoảng 12.654 xe. Thời điểm đó, thành phố nhận thấy số lượng xe taxi tăng chóng mặt, khả năng vượt dự báo của quy hoạch giao thông đến năm 2020 nên đã khống chế tăng thêm số lượng đầu taxi mới kết hợp với kiểm soát niên hạn taxi từ 12 năm xuống còn 8 năm theo quy định chung. Nhờ đó đến 10.2015, số taxi do TPHCM quản lý giảm xuống chỉ còn 10.150 xe. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất ngày 27.12.2016 của Sở GTVT thì hiện nay thành phố có 21 doanh nghiệp taxi truyền thống với số lượng 11.060 xe. Và đặc biệt, từ khi dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng ra đời theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07.01.2016 của Bộ GTVT đã mang lại sự tiện ích nhất định cho hành khách cũng làm gia tăng loại hình taxi ứng dụng phần mềm Uber, Grab. “Tính hết ngày 15.11.2016, Sở GTVT TPHCM đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho các xe từ 09 chỗ trở xuống là 15.344 xe với khoảng 274 đơn vị vận tải. Như vậy, lượng xe ô tô dưới 09 chỗ hoạt động trên địa bàn TPHCM là 26.404 xe (gồm 11.060 xe taxi truyền thống + 15.344 xe hợp đồng dạng Uber, Grab) đã làm phá vỡ quy hoạch taxi và làm gia tăng áp lực giao thông cho thành phố” – một cán bộ Sở GTVT cho biết.
Theo tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông, giảng viên ĐH GTVT TPHCM), đó chỉ là những con số báo cáo trên giấy, chứ số lượng taxi hoạt động trên thực tế tại TPHCM có thể còn cao hơn con số báo cáo. Bởi lẽ, gần đây trên địa bàn TPHCM còn một lượng xe đáng kể của các tỉnh - thành khác, xe không đăng ký kinh doanh tham gia hoạt động phần mềm Uber tại TPHCM mà đến nay các cơ quan quản lý chưa kiểm soát được.
Giao thong TPHCM tac nghen vi “vo tran” quy hoach taxi-Hinh-2
Thiếu bến bãi, taxi chiếm dụng vỉa hè để làm nơi đậu xe. 
Thiếu bến bãi, gây ùn tắc nghiêm trọng
Số lượng đầu xe taxi gia tăng chóng mặt, trong khi hệ thống bến bãi đậu xe taxi cũng như các điểm đón trả khách đối với loại hình taxi tại TPHCM gần như không có gì. Do không có bến bãi nên hầu hết số lượng taxi trên địa bàn thành phố đều sử dụng các cây xăng, lòng, lề đường làm nơi đậu xe chờ đón khách.
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều tuyến đường khu vực trung tâm thành phố (Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Nguyễn Du, Hàn Thuyên...), đâu đâu cũng có thể nhận thấy lượng taxi truyền thống, Uber, Grab chiếm dụng lòng đường làm nơi đậu xe chờ rước khách khá đông. Đặc biệt, vào những giờ cao điểm, do lòng đường bị chiếm dụng nên giao thông thêm hỗn loạn, ùn tắc, trong khi đó lực lượng chức năng gần như không thể có mặt 24/24 để thực hiện xử phạt.
Tình trạng quá tải bến bãi có thể thấy rõ nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi sân bay chỉ có bãi đậu rộng vài trăm m2 dành cho xe taxi, nhưng mỗi ngày có đến 4.000 – 5.000 lượt xe taxi ra vào sân bay. Thiếu bãi đậu, nhiều trục đường quanh khu vực sân bay (Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long…) bị lấn chiếm làm bãi đậu taxi, khiến giao thông vào những giờ cao điểm xảy ra ùn ứ, quá tải.
Theo các chuyên gia giao thông, một trong những nguyên nhân làm cho tình hình ùn tắc giao thông tại TPHCM thêm nghiêm trọng là do lượng taxi lưu thông trên đường phố với mật độ dày đặc. Thực hiện một cuộc khảo sát khoảng 20 phút (8 giờ 35 đến 8 giờ 55 phút ngày 3.1.2017) tại trước cổng ra vào ga trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình), PV đếm được hơn 300 lượt xe taxi truyền thống ra vào sân bay. Tương tự, tại giao lộ Tôn Thất Tùng – Bùi Thị Xuân (Q.1), PV cũng khảo sát trong 15 phút vào giờ thấp điểm (9 giờ 55 đến 10 giờ 10 phút ngày 3.1.2017) có đến 148 lượt xe taxi truyền thống qua lại.
Tương tự, với lợi thế mức giá cước thấp hơn taxi truyền thống nên nhu cầu người dân đi lại bằng Uber, Grab taxi cũng tăng cao, từ đó kéo theo một làn sóng nhiều cá nhân đầu tư phương tiện tham gia chạy Uber, Grab taxi. Thực tế tại khu trung tâm TPHCM, chỉ khi bật ứng dụng Uber hay Grab lên mọi người đều có thể nhận thấy chi chít lượng xe Uber, Grab taxi xuất hiện khắp các tuyến đường.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, nếu như một xe ô tô cá nhân của gia đình, mỗi ngày thường chỉ lăn bánh từ nhà đến chỗ làm, và ngược lại; thì hằng ngày, mỗi xe taxi lại có tần suất hoạt động khá dày đặc trên khắp tuyến đường, với số tổng km lăn bánh lên đến 100-200km/ngày để đưa đón khách. Chính tần suất hoạt động như con thoi của lượng xe Uber, Grab taxi cùng với gần 11.000 taxi truyền thống đang hoạt động tại TPHCM càng làm cho mật độ giao thông trên đường lúc nào cũng tăng cao, góp phần làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng.
Theo Laodong