Giật nảy mình nạn buôn bán vũ khí tràn lan trên...MXH

Google News

Bất chấp những quy định cấm, những mặt hàng vũ khí như đạn dược, súng bắn cao su, bình xịt cay, kiếm… vẫn tiếp tục được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Vỏ bọc “vũ khí tự vệ”
Mặc dù pháp luật đã quy định, những loại vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ là những phương tiện đặc biệt trang bị cho các cơ quan, tổ chức sử dụng trong việc giữ gìn trật tự an ninh. Tuy nhiên, vì lợi nhuận các đối tượng vẫn lén lút mua bán, quảng cáo mặt hàng này với tên gọi “vũ khí tự vệ”.
 Các loại vũ khí nóng được quảng bá tràn lan trên mạng xã hội
Người dùng chỉ cần gõ từ khóa như “mua bán vũ khí tự vệ”, “mua bán súng K54, K59, PCP…” là có thể tìm thấy hàng loạt thông tin rao bán với nhiều mặt hàng “nóng” khác nhau. Những người rao bán sẽ công khai đăng mặt hàng, tính năng, giá tiền cũng như số điện thoại để trao đổi. Ví dụ, “Shop bán vũ khí tự vệ uy tín- chất lượng cao – lâu dài” trên facebook, quảng cáo bán hàng uy tín 100%, đảm bảo, nhanh gọn, an toàn cho cả 2 bên, bán súng hơi Airsoft Spring K170D với chất liệu vỏ ngoài và băng đạn hoàn toàn bằng kim loại chỉ với giá 850.000đ, kiếm Nhật Katana với giá gần 400.000đ, roi điện quảng cáo với giá 1,1 triệu đồng… Shop “Vũ khí tự vệ – uy tín chất lượng” dưới vỏ bọc bán hàng tự vệ, shop nghiễm nhiên rao bán gậy rút 3 khúc với giá 450.000đ, dao móc khóa chỉ với giá từ 170.000 -190.000đ và các mẫu dao bướm đồng giá 230.000đ.
Chưa bao giờ người tiêu dùng có thể nghĩ việc mua bán mặt hàng nóng lại có thể dễ dàng như mua món đồ quần áo, mỹ phẩm tới như vậy. Chỉ cần gõ “Hàng Baton” (gậy rút 3 khúc) trong 0.50 giây đã có 446.000 kết quả tìm kiếm về các cơ sở, website, shop bán loại hàng này trên google, gõ “súng tự vệ” mất 0.37 giây để tìm được 1.030 nghìn lượt kết quả, hết 0.60 giây để có 3 triệu lượt kết quả cho “dao tự vệ” và 0.51 giây tìm được 1.430 nghìn kết quả cho “xịt hơi cay”…
Những hệ lụy khôn lường
Thực trạng công khai rao bán những loại hung khí, công cụ hỗ trợ mà không được cấp giấy phép, cũng không hề rõ nguồn gốc xuất xứ rất đáng lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm khi tồn tại việc kinh doanh trái phép mặt hàng này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 6/2017, cả nước xảy ra hơn 9.200 vụ việc liên quan đến mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ.
Mới đây, ngày 16/11, tại địa bàn quận Tân Bình, TP HCM, Bùi Đức Hoàng bị Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP HCM bắt giữ cùng tang vật là 14 khẩu súng ngắn bắn đạn bi kim loại, 20 hộp tiếp đạn, 3.600 viên đạn bi, 37 bình gas các loại. Để nhập trái phép các loại súng này, Hoàng ra tỉnh Lạng Sơn móc nối với nhiều thành phần bất hảo khu vực biên giới để lấy “hàng” và vận chuyển về tập kết tại một tiệm internet trên địa bàn Hà Nội. Sau đó, Hoàng đăng lên các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau để “chào hàng”. Từ đầu tháng 10/2017 đến nay, Hoàng đã bán ra thị trường hàng trăm khẩu súng, chủ yếu là khu vực phía Bắc. Đến khi mở rộng thị trường vào phía Nam thì bị bắt giữ.
Trước đó, ngày 29/10, Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình bắt quả tang Vũ Mạnh Hùng (24 tuổi) đang bán một khẩu súng, thân vỏ bằng nhựa bắn điện. Khi khám xét nơi ở, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ thêm một khẩu súng nhựa bắn bằng điện, 7 bình xịt hơi cay, 9 con dao, mã tấu và gậy sắt…Hùng khai nhận mỗi cây kiếm có giá từ 500.000 – 700.000đ; bình xịt hơi cay từ 300.000 – 500.000đ và loại súng bắn điện có giá từ 1,2 triệu – 1,5 triệu đồng.
Tại tỉnh Thái Bình, cuối tháng 10, Công an tỉnh Thái Bình cũng triệt phá đường dây chuyên giữ hơn 20 khẩu súng tự chế các loại, 20 nòng súng, 3 bầu nén khí và nhiều phụ kiện dùng để chế tạo vũ khí có tính năng sát thương và gây tử vong cao. Trong đó, có Nguyễn Thanh Hải (27 tuổi, trú huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Văn Hưng (31 tuổi, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là những kẻ nổi cộm trong hoạt động chế tạo và cung cấp hàng nóng trên chợ Internet. Hoạt động mua bán, vận chuyển được họ thực hiện hết sức tinh vi dưới hình thức đặt hàng qua mạng và gửi hàng theo đường bưu điện.
Khi việc mua bán và sử dụng công cụ hỗ trợ vẫn diễn ra dễ dàng, công khai trên Internet và được mở rộng phạm vi sang các trang mạng xã hội thì không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra khi gặp phải những người có sẵn công cụ hỗ trợ trái phép trong tay. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm soát kỹ ở những cửa khẩu thì một cánh cửa khác là “thị trường mạng” đang diễn ra tràn lan như hiện nay cũng cần phải được Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành, Trung tâm Internet Việt Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời đối với các website, các tài khoản Facebook quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để áp dụng những biện pháp xử phạt nghiêm, qua đó góp phần hạn chế những thứ vũ khí nguy hiểm đến tay những người nguy hiểm.
Theo Phan Mơ/Baophapluat