Theo thông tin trên báo VietnamNet, khoảng 19h20 ngày 15/6, tại trước cửa số nhà 7 Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, khi chị Trần Thị Thanh (SN 1985, nhân viên công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco 2) - chi nhánh Hoàn Kiếm) nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định, bất ngờ bị 1 phụ nữ to tiếng, rồi lao vào đánh ngất tại chỗ.
Ngay sau đó, nhân viên của Urenco 2 đã đưa chị Thanh đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, đồng thời trình báo sự việc nữ công nhân môi trường bị hành hung đến CAP Lý Thái Tổ, đề nghị làm rõ, xử lý vụ việc.
Tiếp nhận thông tin, Công an phường Lý Thái Tổ đã khẩn trương phối hợp cùng Cơ quan điều tra Công an quận Hoàn Kiếm làm rõ và triệu tập đối tượng hành hung nữ nhân viên môi trường đô thị. Đó là Phạm Thị Bích Diệp (SN 1985, trú ở phố Hàng Muối, phường Lý Thái Tổ).
Theo lời khai của Diệp, vì bị nhắc nhở bán nước mía để vương vãi rác nên cô ta đã bức xúc với chị Thanh. Khi thấy chị Thanh đi đến phố Nguyễn Hữu Huân, Diệp đã gọi người nhà đi tìm nữ công nhân môi trường đô thị để “nói chuyện”. Đến trước cửa nhà số 7 Nguyễn Hữu Huân, trông thấy chị Thanh trên hè phố, Diệp đã lao vào hành hung.
Sau sự việc nghiêm trọng này, nghề công nhân vệ sinh môi trường có những góc khuất không phải ai cũng biết tới.
|
Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm hỏi nữ công nhân vệ sinh môi trường bị đánh. Ảnh: Gia đình và Xã hội |
7 năm chưa được về quê ăn Tết
Theo thông tin trên báo Gia đình và Xã hội, chị Thanh kể, đây là lần đầu tiên chị bị hành hung kể từ khi làm công nhân môi trường. Còn trước đó, vì đặc thù công việc là nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định, mà địa bàn chị làm chủ yếu là khu vực phố cổ, nơi có nhiều hộ kinh doanh nên việc bị chửi mắng thậm chí bị sỉ nhục là chuyện như “cơm bữa”. “Bị mắng, bị chửi tủi thân lắm nhưng chúng tôi toàn phải nhịn qua chuyện”, chị Thanh nói.
Khi hỏi về chuyện gia đình, chị Thanh cho biết, tuy thu nhập của chị và chồng không cao nhưng chị vẫn cho rằng mình là người phụ nữ may mắn vì lấy được một người chồng biết quan tâm, chăm sóc vợ con. Hiện tại, vợ chồng chị đang sống trong một căn nhà nhỏ cùng hai đứa con.
Chị Thanh kể, năm 2006, chị và anh Nguyễn Quang Đức nên duyên vợ chồng. Kết hôn được một thời gian, vì cuộc sống ở quê (Hà Nam) quá khó khăn nên chị và chồng quyết định khăn gói lên Hà Nội lập nghiệp. Lên Hà Nội chị làm đủ nghề để mưu sinh. Đến năm 2009 chị Thanh chuyển qua làm công nhân môi trường. Người phụ nữ này cho rằng, mình có duyên với nghề này vì đã gắn bó được hơn 7 năm.
Theo chị Thanh, nghề công nhân môi trường vốn là nghề vất vả, người làm ca đêm như chị lại càng vất vả hơn.
“Làm cái nghề này thì phải chấp nhận, đến ca trực của mình thì bất kể dù nắng, mưa thậm chí bão vẫn phải đi làm, vất vả là thế nhưng lương cũng chỉ được hơn 5 triệu. Số tiền đó chỉ vừa đủ lo cho hai đứa con. Còn mọi chi tiêu khác trong gia đình thì phải nhìn vào thu nhập từ nghề xe ôm của chồng”, chị Thanh tâm sự.
|
Hiện tại sức khỏe của chị Thanh đã ổn định, có thể ăn uống nhẹ. Ảnh: Gia đình và Xã hội |
Chị Thanh cho rằng, mình đến với nghề công nhân môi trường như một cái duyên và khẳng định mình sẽ gắn bó với nghề này lâu dài. Duy chỉ có điều khiến chị cảm thấy áy náy với gia đình và chồng con là, 7 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy năm chị không được về quê ăn Tết.
“Tủi thân lắm, đúng 7 năm rồi tôi chưa được sum vầy cùng gia đình mỗi khi Tết đến xuân về. Cứ đúng dịp ấy là tôi lại phải trực, chỉ có chồng với con về thôi. Nhiều đêm về đến nhà cứ khóc tu tu vì tủi thân. May mà có chồng luôn an ủi, động viên”, Chị Thanh ngậm ngùi.
Cần sự tôn trọng
Sau vụ việc này, chị Thanh vừa đau về thể xác lẫn đau về mặt tinh thần. Không chỉ riêng chị Thanh mà những người đồng nghiệp, những công nhân lao động vệ sinh cũng cảm thấy đau. Chị Đặng Kim Anh - Tổ trưởng tổ môi trường số 3, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội - chia sẻ: “Công việc của những người lao động chân tay thì quá vất vả, ai cũng biết. Chúng tôi thường phải về muộn, 4-5h sáng mới hết ca trực là chuyện bình thường. Nam giới đã vất vả, phụ nữ còn khổ hơn nhiều”.
Theo chị Kim Anh, công việc này không chỉ vất vả mà còn bị nhiều người không được tôn trọng. Chị Kim Anh trăn trở: Ý thức của người dân có chuyển biến nhưng chưa nhiều, tình trạng vứt rác tùy tiện trước và sau giờ xe đi vẫn xảy ra khá phổ biến. Chưa kể, nhiều vật dụng cồng kềnh như bàn ghế, phế thải xây dựng vẫn được vứt ra hè đường một cách vô ý thức.
Mặc dù nghị định quy định về vứt rác đã có hiệu lực nhưng đến nay hiệu quả của việc này chưa cao. Có thể một phần do ý thức của người dân nhưng phần còn lại cũng do chính quyền địa phương chưa tuyên truyền quyết liệt. “Công việc của chúng tôi khá vất vả, luôn tiếp xúc với rác rưởi, luôn là người đi sớm về muộn để mong muốn giúp cho thành phố thêm sạch. Chúng tôi là người lao động, làm công ăn lương, công việc này cũng nên và cần sự tôn trọng của mọi người” - chị Kim Anh tâm sự.
Theo Ánh Ngân/VietQ