Mới đây, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam Phạm Quang Hùng - nguyên Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Phó Trưởng Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) và Trịnh Thanh Hùng, nguyên Phó Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Cán bộ Công an huyện Vũ Thư về tội “Dùng nhục hình” theo quy định tại khoản 4, Điều 373 Bộ luật Hình sự.
Cuối tháng 1/2022 đến đầu tháng 2/2022, Phạm Quang Hùng và Trịnh Thanh Hùng đã nhiều lần đưa người bị tạm giam Bùi Văn Bích (SN 1974, trú tại xã Trung An, huyện Vũ Thư) bị khởi tố về tội “Môi giới mại dâm" lên ghế thẩm vấn, khoá tay chân lại, để tại sân tắm nắng buồng tạm giam số 06, Nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư, trong thời gian dài, dưới điều kiện thời tiết rét và rét đậm. Hậu quả khiến ông Bích bị viêm phổi phế quản nặng dẫn đến suy hô hấp, dẫn đến tử vong vào ngày 20/2.
|
Nghi phạm bị dùng nhục hình chết bất thường tại nhà tạm giữ Công an huyện Vũ Thư
|
Đối mặt mức án phạt tù từ 12 năm, 20 năm hoặc tù chung thân
Trao đổi dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi bức cung, dùng nhục hình là những hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này xâm phạm đến hoạt động tư pháp và trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người bị buộc tội, bị can, bị cáo. Đồng thời, xâm phạm quyền con người, quyền công dân và làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tư pháp đối với nhân dân.
Do đó, bức cung và dùng nhục hình ở Việt Nam là hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của pháp luật, tội dùng nhục hình thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội danh này quy định chủ thể đặc biệt đó là những người tiến hành tố tụng hình sự, người có chức năng nhiệm vụ liên quan đến hoạt động tư pháp hình sự mới bị xử lý về tội danh này. Theo liệt kê của điều luật, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự…mới có thể thực hiện được tội phạm này.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 373 BLHS, hành vi dùng nhục hình dẫn đến hậu quả "Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân." Nếu người thực hiện hành vi cướp đoạt tính mạng của người khác không phải là người được liệt kê theo điều 373 bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người với hình phạt cao nhất có thể áp dụng là tù chung thân hoặc tử hình.
Trong vụ án hình sự trên, nạn nhân đã tử vong, trên người có rất nhiều dấu vết bầm tím, tụ máu, vẩy sẹo cho thấy có thể là có hành vi đánh đập nhiều ngày, nhiều lần dẫn đến thương tích nghiêm trọng và nạn nhân tử vong. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác dẫn đến nạn nhân tử vong.
Như vậy, hậu quả chết người đã xảy ra, nguyên nhân chết là do bị đánh đập. Nếu là những người được liệt kê trong điều 373 thì sẽ bị xử lý hình sự về tội dùng nhục hình.
Trong vụ án này hai cán bộ bị khởi tố là cán bộ trong Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Người bị dùng nhục hình đang trong giai đoạn điều tra. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ của các bị can khi thực hiện hành vi dùng nhục hình ở đây là gì. Nếu hành vi dùng nhục hình nhằm mục đích để người bị tạm giữ, bị can phải khai báo về hành vi phạm tội, sự việc có thể sẽ liên quan đến cơ quan điều tra, cán bộ điều tra trong vụ án đó.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
“Người bị dùng nhục hình đã tử vong và chưa phải thi hành án hình sự bởi vậy cần phải làm rõ mục đích thực hiện hành vi dùng nhục hình ở đây là gì, những ai có liên quan đến hành vi dùng nhục hình. Hai cán bộ của đội thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp vì sao lại thực hiện hành vi dùng nhục hình, họ có thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ thể của tội danh này hay không hay chỉ là người thực hiện hành vi với vai trò đồng phạm?’, luật sư Cường nêu ý kiến.
“Khi nào công tác quản lý người bị tạm giữ, bị can, bị cáo còn lỏng lẻo, thiếu giám sát và người thi hành công vụ vi phạm đạo đức, trình độ năng lực hạn chế, còn xảy ra bức cùng, dùng nhục hình”.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi dùng nhục hình
Luật sư Cường cho biết, dù phát hiện và xử lý không nhiều nhưng hành vi dùng nhục hình ở Việt Nam vẫn xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời là cần thiết để đảm bảo an toàn trong hoạt động tư pháp, giữ gìn uy tín của các cơ quan tư pháp hình sự, của Đảng và Nhà nước trước Nhân dân.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi bức cung, dùng nhục hình.
Trong đó, có thể kể đến như: những người tiến hành tố tụng, những người thực hiện hoạt động tư pháp hình sự nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu kỹ năng, trình độ nhận thức và trình độ nghiệp vụ yếu kém nên đã sử dụng "cơ bắp", vũ lực để giải quyết vấn đề theo kiểu "vô đả bất thành hình" mong muốn người bị tạm giam, tạm giữ phải khai báo theo ý của mình.
Bên cạnh đó, một số cán bộ tư pháp hình sự thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, có ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác nên đã lạm quyền, lộng quyền, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người bị buộc tội, bị can, bị cáo;
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc dẫn đến buông lỏng trong hoạt động quản lý người bị tạm giam, tạm giữ phải thi hành án hình sự, buông lỏng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến người thi hành công vụ vi phạm pháp luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người bị buộc tội...
Để giảm thiểu những vụ án bức cung, dùng nhục hình, luật sư Cường cho rằng, vấn đề đầu tiên phải là vấn đề con người, vấn đề đạo đức cán bộ, trình độ năng lực của cán bộ và cơ chế quản lý giám sát cán bộ trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Cần phải tuyển chọn, bồi dưỡng, rèn luyện năng lực, bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp hình sự một cách kỹ lưỡng, thường xuyên, chuyên sâu để có những cán bộ có tài, có đức.
Đồng thời, cần tăng cường cơ chế giám sát, phối hợp để kịp thời phát hiện ra những hành vi bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự. Đặc biệt là phải tăng cường giám sát và trách nhiệm của Viện kiểm sát và luật sư bào chữa.
Khi phát hiện ra hiện tượng có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình, luật sư bào chữa và Viện kiểm sát cần phải có ý kiến với cơ quan tố tụng và có thể trình báo sự việc với Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video An Giang: Lãnh án 17 năm tù vì đâm cha dượng tử vong
Hải Ninh