Góc nhìn pháp lý vụ nữ sinh bị tai nạn với “nồng độ cồn 0,79 mg/100ml máu”

Google News

Vấn đề quan trọng để kết luận có khởi tố vụ án hình sự hay không trong vụ TNGT này là người lái xe ô tô có lỗi hay không?

Mới đây, ông Hồ Hoàng Hùng (61 tuổi, trú tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) đã gửi đơn khiếu nại về kết quả giám định nồng độ cồn trong máu của con gái ông là Hồ Hoàng Anh - nữ sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tử vong do tai nạn giao thông sáng 28/6.
Sáng 28/6, em Hồ Hoàng Anh đến trường nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đến 7h30 sáng cùng ngày, khi điều khiển xe máy lưu thông trên đường 16 tháng 4, TP Phan Rang - Tháp Chàm hướng từ phường Mỹ Bình về Quảng trường 16 Tháng 4.
Goc nhin phap ly vu nu sinh bi tai nan voi “nong do con 0,79 mg/100ml mau”
Hiện trường vụ tai nạn. 
Khi đến trước cổng một ngân hàng, em Hồ Hoàng Anh bất ngờ bị ô tô 7 chỗ biển số 85A-074.07 do ông Hoàng Văn Minh (SN 1986, cán bộ Trung đoàn 937) cầm lái, đi cùng chiều chuyển làn đường va vào xe máy. Cú va chạm khiến nạn nhân bị hất văng về trước khoảng 4m, đầu đập xuống nền đường, va vào trụ điện bất tỉnh, rồi tử vong sau đó.
Tuy nhiên, đến ngày 13/7, gia đình ông Hùng nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết “kết quả kiểm tra nồng độ cồn của cháu Hồ Hoàng Anh là 0,79 mg/100 ml máu”. Cho rằng "kết quả kiểm tra nồng độ cồn là không chính xác, ông Hùng làm đơn khiếu nại nêu rõ quan điểm: “Một học sinh đi đến trường lúc 7h để nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT, đến khoảng 7h30, trên đường về nhà thì gặp tai nạn, hỏi làm sao lại có nồng độ cồn lên đến 0,79 mg/100ml máu?".
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với vụ tai nạn giao thông khiến hậu quả nghiêm trọng, việc cơ quan điều tra đo nồng độ cồn của những người lái xe là cần thiết để xác định nguyên nhân sự việc. Tuy nhiên, việc xác định nồng độ cồn của nạn nhân đã tử vong ít khi được đặt ra.
Theo luật sư Cường, kết quả xác định nồng độ cồn không phải là vấn đề quyết định để giải quyết vụ tai nạn giao thông, chỉ là tình tiết để xử phạt hành chính hoặc xác định tính chất của vụ việc. Việc có xử lý hình sự hay không thì phụ thuộc nhiều vào yếu tố lỗi và hậu quả xảy ra.
Kiểm tra nồng độ cồn có thể sử dụng khí thở hoặc máu, trên cơ sở các thông số kĩ thuật do máy móc tính toán. Tuy nhiên, kiểm tra nồng độ cồn không chỉ căn cứ vào các thông số trên máy đo mà còn phải căn cứ vào nhiều các tình tiết chứng cứ khác để kết luận người điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn hay không. Nếu người điều khiển phương tiện không uống rượu bia trước thời điểm điều khiển phương tiện thì kết quả có nồng độ cồn là không chính xác, cũng có thể do máy đo bị lỗi hoặc nhầm mẫu. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ khi nhận được đơn khiếu nại của đại diện gia đình nạn nhân.
Cơ quan chức năng sẽ xác định trong khoảng thời gian khoảng 24 tiếng kể từ thời điểm vụ tai nạn xảy ra, nạn nhân có uống rượu bia hay không, gặp gỡ, giao lưu với những ai để có căn cứ kết luận nạn nhân có vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông hay không. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong vụ việc này để kết luận có khởi tố vụ án hình sự hay không là ở người lái xe ô tô có lỗi hay không.
 
Luật sư Cường cho biết, qua clip lan truyền trên mạng xã hội và trên báo chí cho thấy chiếc xe máy bị văng rất mạnh và nạn nhân đập vào cột điện, còn chiếc xe ô tô thì từ từ dừng lại... Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, không sử dụng các phương tiện kỹ thuật, không thu thập được các dữ liệu tại thời điểm va chạm cũng như hướng di chuyển trước khi va chạm thì rất khó có thể kết luận bên nào đúng, bên nào sai khi chỉ căn cứ vào một clip. Việc đánh giá bên nào có lỗi khiến vụ tai nạn xảy ra, phải căn cứ vào nhiều tình tiết chứng cứ để xác định tốc độ của 2 xe trước khi va chạm, xác định vị trí va chạm và khả năng quan sát, khả năng điều khiển hành vi của người điều khiển ô tô cũng như người lái chiếc xe máy.
Người điều khiển chiếc xe ô tô này sẽ không bị xử lý hình sự nếu như đi đúng tốc độ, đúng làn đường, chú ý quan sát, khi chuyển hướng thì có bật đèn tín hiệu. Đồng thời có căn cứ cho thấy nạn nhân đã đi quá tốc độ và va quẹt với xe ô tô rồi tự ngã dẫn đến tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô đã không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, chuyển hướng không bật đèn tín hiệu dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp cả hai bên đều có lỗi, lỗi hỗn hợp thì vẫn có thể xử lý người điều khiển chiếc xe ô tô này bằng chế tài hình sự.
Goc nhin phap ly vu nu sinh bi tai nan voi “nong do con 0,79 mg/100ml mau”-Hinh-2
 Xe nạn nhân tại hiện trường khi xảy ra vụ tai nạn.
Theo quy định của pháp luật, hành vi của người tham gia giao thông mà xác định là có gây ra hậu quả nghiêm (chết người), người điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự. Bởi vậy, để khởi tố vụ án hình sự hay không khởi tố thì việc xác định người điều khiển ô tô này có lỗi hay không, có vi phạm quy định về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông được bộ hay không là yếu tố quyết định.
Trường hợp người lái xe ô tô là quân nhân, hồ sơ vụ việc cũng có thể chuyển sang cơ quan điều tra hình sự quân đội để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Trường hợp có căn cứ xác định quân nhân vi phạm pháp luật, gây tai nạn giao thông thì ngoài trường hợp bị xử lý hình sự, quân nhân sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất về đảng và kỷ luật quân đội (loại ngũ).
Luật sư Cường nhấn mạnh, trong vụ việc này, nồng độ cồn của nạn nhân không phải là vấn đề mấu chốt mà tốc độ của hai chiếc xe trước khi va chạm, điểm va chạm, vị trí va chạm, khả năng quan sát của người lái xe ô tô và nữ sinh mới là vấn đề quan trọng để xác định bên nào có lỗi, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Nếu không đồng ý với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đại diện người bị hại có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự trong giai đoạn xác minh tin báo. Đây là một vụ việc phức tạp liên quan đến quân nhân nên cơ quan chức năng sẽ thận trọng trong việc xem xét đánh giá các chứng cứ, sẽ lắng nghe tiếp nhận những thông tin, ý kiến từ phía gia đình người bị hại để làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ việc này. Nếu có căn cứ xác định người điều khiển chiếc xe ô tô có lỗi sẽ khởi tố vụ án hình sự và tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.

Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm đã chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra khu vực 3 - Quân chủng Phòng không - Không quân để tiếp tục điều tra, làm rõ. Đến nay, cơ quan điều tra cũng đã dựng lại hiện trường vụ tai nạn giao thông đồng thời, phát thông báo tìm nhân chứng cung cấp thông tin để điều tra vụ tai nạn trên. 

>>> Mời độc giả xem thêm video Có thêm 16 người chết vì tai nạn giao thông:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh