Gói hỗ trợ vay 16.000 tỷ đồng trả lương cho người lao động giải ngân chậm

Google News

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc triển khai các chính sách, gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỉ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Ngày 22/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ngân sách Nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. 
Tại kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp.
Goi ho tro vay 16.000 ty dong tra luong cho nguoi lao dong giai ngan cham
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội. 
Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỉ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Cụ thể, tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chiến lược vắc-xin của nước ta gặp nhiều thách thức, tỉ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp. Tính đến ngày 13/7, đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc-xin; đã thực hiện tiêm 4.079.066 liều vắc-xin phòng COVID-19.
Về giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm "cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh.
"Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022"- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu.
>>> Mời quý độc giả xem video: TIỂU SỬ TÓM TẮT CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Nguồn: VTV


Hiểu Lam