Mới đây, Sở VHTTDL Hà Giang đã chuyển đơn kiến nghị của bà Thào Thị Mua (xóm Chúng Pả A, xã Phó Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đến Công an tỉnh Hà Giang xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, đơn của bà Thào Thị Mua phản ánh việc bà Hoàng Thị Hường (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Hoàng Hường) đã có lời nói xúc phạm phạm lớn đến nhân phẩm và danh dự đối với những người dân bán hàng và làm dịch vụ hoa cho du khách thuê chụp ảnh tại Dốc Thẩm Mã - Hà Giang, gọi họ là “những kẻ ăn xin”. Trước đó, bà Hoàng Thị Hường cũng gây nhiều bức xúc dư luận khi trong một đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội gọi món mèn mén là cám lợn, là món ăn giải nghiệp.
|
Văn bản của Sở VHTT&DL Hà Giang.
|
Xem nhẹ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Từ phản ánh của bà Thào Thị Mua, những hành vi của bà Hoàng Thị Hường có vi phạm hay không? Vi phạm thế nào sẽ được cơ quan có thẩm quyền làm rõ và xử lý. Tuy nhiên, việc gọi mèn mén – một món ăn truyền thống của người dân vùng cao là “cám lợn” hay như ví những người làm dịch vụ bán hàng là những ‘kẻ ăn xin” khiến dư luận bất bình và cho rằng đó là những phát ngôn gây phản cảm.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định của Luật An ninh mạng và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã không được tuân thủ nghiêm túc và những chuẩn mực văn hóa, đạo đức bị xem nhẹ khi người phụ nữ này có những phát ngôn trên.
Thực tế, trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng mạng xã hội đã được Luật An ninh mạng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Tại Điều 42 quy định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành với mục đích tạo điều kiện phát triển lành mạnh cho mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử với nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh của Bộ Quy tắc là các hành vi của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội.
|
Gọi mèn mén là "cám lợn" gây bức xúc dư luận. |
Có bị xử phạt?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về sự việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Hoàng Hường là người khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Thời gian qua, người phụ nữ này cũng có nhiều phát ngôn gây tranh cãi.
Pháp luật Việt Nam cho phép quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật cũng bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của mọi công dân. Đồng thời cũng quy định về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được bảo vệ các nét văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi vậy, hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo, xúc phạm văn hóa của cộng đồng dân tộc là hành vi vi phạm pháp luật.
Điểm c, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có: "Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;..."đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;.."
Do đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận thông tin, xác minh làm rõ nội dung phát ngôn của người phụ nữ này và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đưa tin sai sự thật, xuyên tạc khỏe xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức cá nhân thì người này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hậu quả cụ thể.
Nếu hành vi được xác định là chưa nguy hiểm cho xã hội, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội sẽ bị xử phạt hành chính đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Trường hợp hành vi được xác định là bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ quan điều tra có thể khởi tố về tội vu khống, tội làm nhục người khác, tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
“Thánh chửi” nhan nhản trên mạng xã hội, trị tận gốc thế nào?
Thời gian quan, nhiều cá nhân đã bị xử lý khi vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật mà điển hình là vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan chức năng đã khởi tố bà Hằng cùng nhiều cá nhân liên quan trong đó có nhà báo Hàn Ni, luật sư Đặng Anh Quân…về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khi livestream và đưa các thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã Facebook, Youtube…Tuy nhiên, tình trạng “thánh chửi” vẫn nhan nhản trên mạng xã hội.
Trước thực trạng này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, thời gian gần đây không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng các tính năng phát trực tiếp của mạng xã hội để đưa ra những quan điểm, thái độ về các vấn đề xã hội.
Nhiều người do thiếu hiểu biết hoặc do coi thường người khác nên đã có phát ngôn lệch chuẩn, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục.
Những phát ngôn thiếu chuẩn mực chuẩn mực, có tính chất bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác gây ra những mâu thuẫn trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
Thậm chí, nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau trong đó có tội vu khống, tội đưa thông tin trái phép hoặc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.
Tuy nhiên nhiều người vì muốn nổi tiếng để bán hàng online, muốn thể hiện cái tôi cá nhân hoặc muốn sử dụng mạng xã hội như một công cụ để được nổi tiếng đã bất chấp các quy định của pháp luật để đưa thông tin trái phép.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, an toàn mạng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người đàn ông bị phạt 5 triệu vì lên mạng xúc phạm lực lượng chống dịch
Tâm Đức