Hà Nội: 6 nhóm được “ra đường”… thế người tiêm 2 mũi vắc xin ở đâu?

Google News

“Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn”, TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã thông tin chi tiết 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường.
Tiêm 2 mũi vắc xin…không trong nhóm được ra đường
Trong 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường ở Hà Nội, nhóm đối tượng được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 không được nhắc đến khiến nhiều người đặt câu hỏi: Không lẽ tiêm xong ngồi im, không tác dụng?
Theo một số ý kiến, việc Hà Nội dự kiến cấp giấy đi đường mới cho 6 nhóm đối tượng căn cứ dựa vào nhiệm vụ và công việc của những người được cấp giấy là đúng nhưng chưa đủ. Bởi ở một số nước, căn cứ quan trọng để xác định người dân có đủ điều kiện đi lại hay không chính là việc đã tiêm vắc xin hay chưa? Tuy nhiên, trong 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường chưa đề cập đến người được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19.
Ha Noi: 6 nhom duoc “ra duong”… the nguoi tiem 2 mui vac xin o dau?
Kiểm tra giấy đi đường sáng 4/9 tại Hà Nội. 
“Chứng nhận y tế cần được coi trọng hơn giấy tờ hành chính trong cuộc chiến chống dịch, hoặc ít nhất cũng phải được coi là một yếu tố quan trọng để xem xét cấp giấy tờ hành chính. Cấp giấy đi đường như cách làm hiện tại sẽ dẫn đến tình huống: Có nhiều người được trang bị giáp trụ (tiêm 2 mũi) buộc phải ở nhà, còn nhiều người mình trần (chưa tiêm) sẽ được tung tăng, xông pha ngoài trận tiền”, một ý kiến nêu.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, khi tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tạo ra được miễn dịch để bảo vệ cá nhân, khi bị nhiễm sẽ không biểu hiện lâm sàng, tức là không bị bệnh hoặc không có biểu hiện nặng, tỷ lệ tử vong thấp.
“Tuy nhiên, một số người tiêm vắc xin không hoàn toàn ngăn cản được sự lây nhiễm. Nhiều người tiêm vắc xin vẫn lây nhiễm. Do đó, việc đưa ra hộ chiếu vắc xin cũng chưa hoàn toàn hợp lý. Cho nên người ta vẫn khuyên những người tiêm đủ vắc xin vẫn có khả năng mang mầm bệnh và truyền cho người khác. Vì thế người ta không cấp giấy đi đường cho các đối tượng tiêm đủ vắc xin là như vậy” - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cho biết.
Ha Noi: 6 nhom duoc “ra duong”… the nguoi tiem 2 mui vac xin o dau?-Hinh-2
Ths.BSCKII Nguyễn Hồng Hà.
TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn.
"Nhưng các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội thì áp dụng tất cả như nhau, người tiêm đủ mũi rồi cũng vẫn phải ngồi nhà nếu không có giấy đi đường, lịch trực... Theo tôi, người đã tiêm đủ mũi vắc xin và áp dụng 5K có thể đi làm/buôn bán/học tập trở lại. Đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với nhóm đã tiêm đủ 2 mũi, như là một "hộ chiếu vắc xin" sớm trước khi đạt tiêm chủng toàn dân", TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.
Thủ tục cấp giấy đi đường có gây khó cho người dân
Theo quy trình cấp giấy đi đường mới được Công an TP Hà Nội thông tin cho thấy có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng.
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc xem xét cấp giấy đi đường để kiểm soát người ra đường mà Công an TP Hà Nội mới công bố cho thấy quy trình còn quá thủ công. Đây là chưa nói bài học ở TP HCM đã nhãn tiền.
“Kiểm soát kiểu này có thể gây nên ùn tắc, thậm chí làm lây lan dịch bệnh. Hà Nội đang phấn đấu đưa công nghệ vào đời sống, trong bối cảnh 4.0 như hiện nay sao lại làm thủ công như vậy?.”, PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
Ông Nam cho rằng, giấy đi đường là cần thiết để siết chặt và chống tiêu cực trong việc cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, phải áp dụng công nghệ hiện đại, người dân chỉ cần quét mã là đi qua. Tại sao phải làm kỳ lạ đến như vậy. Rất nhiêu khê!
Ha Noi: 6 nhom duoc “ra duong”… the nguoi tiem 2 mui vac xin o dau?-Hinh-3
PGS.TS. Lâm Bá Nam. 
Theo ông Lâm Bá Nam cho rằng, cách làm như nào cho hợp lý thì cần phải tính toán. Hà Nội có đủ thời gian để chuẩn bị do đã có 45 ngày rồi.
“Người dân họ đã làm quen, các đối tượng thuộc diện đi đường đều đã làm. Do đó, cần phải có thay đổi nhanh nhất, chứ không thể thủ công như vậy sẽ gây ra bất cập và sự phản ứng của người dân sẽ tăng lên, hiệu quả chống dịch sẽ thấp đi. Thủ tục cấp giấy đi đường như trên quá phức tạp, tính hiệu quả không cao”, ông Nam nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng, Hà Nội đã áp dụng mã QR Code nhưng cách thức cấp không ổn.
Luật sư Thanh gợi ý một số phương án cấp mã QR như: Người dân gửi đăng ký qua ứng dụng trên điện thoại hoặc qua cổng thông tin điện tử của Công an hoặc UBND xã, phường. Cả hai cơ quan này đều có thẩm quyền cấp mã QR. Nội dung đăng ký như sau: Người dân đánh dấu vào ô tương ứng của nhóm công việc được ra đường đã liệt kê sẵn trên ứng dụng, đồng thời gửi kèm giấy tờ chứng minh. Người đăng ký và cơ quan, tổ chức xác nhận phải cam kết khai đúng và chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin sai.
Cán bộ Công an hoặc UBND xã, phường kiểm tra nội dung đăng ký, nếu phù hợp thì trình Chủ tịch UBND hoặc Trưởng Công an cấp mã QR cho người đăng ký. Công an quét mã QR và đối chiếu giấy tờ tùy thân của người đi đường.
Ha Noi: 6 nhom duoc “ra duong”… the nguoi tiem 2 mui vac xin o dau?-Hinh-4
Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường như trên vẫn chưa hợp lý, chưa khả thi. Quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường.
Theo dự kiến, quy trình cấp giấy đi đường thì có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố. Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là rất lớn, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường, chắc chắn là quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với hai cơ quan này.
“Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy thì hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra. Cần phải bổ sung thêm rất nhiều lực lượng để nghe điện thoại, đọc email và hướng dẫn các thủ tục. Khi thủ tục hoàn thành, việc trao giấy đi đường cho người dân cũng là câu chuyện rất khó khăn bởi số lượng lớn, địa chỉ phức tạp.”, luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường cũng đề cập việc, người được cấp giấy đi đường cho cả công chức, viên chức nhà nước, có những người thực hiện những nhiệm vụ khẩn cấp, quan trọng. Nếu thủ tục cấp giấy đi đường đối với họ bị trì hoãn vài ngày, thậm chí vài tiếng thôi là cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc...
Ông Cường cho rằng, để ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản dưới luật thì phải phù hợp với văn bản luật, ban hành đúng thẩm quyền, đúng thủ tục, nội dung có tính khả thi, có tính dự báo và đạt được những mục đích mà yêu cầu trước đó đưa ra.
“Vậy ở đây phải làm rõ mục đích quy định lại về việc cấp giấy ra đường là để làm gì ?”, luật sư Cường đặt câu hỏi và cho rằng, nếu chỉ để hướng đến mục đích là hạn chế số người ra đường, có rất nhiều biện pháp chứ không nhất thiết là phải ban hành lại quy định về cấp giấy ra đường.
Ha Noi: 6 nhom duoc “ra duong”… the nguoi tiem 2 mui vac xin o dau?-Hinh-5
Nguồn: Kinh tế và Đô thị. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội xem xét điều chỉnh giấy đi đường:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh