Hà Nội áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phát thanh xã phường

Google News

Đến năm 2025, Hà Nội sẽ sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố.
Ha Noi ap dung tri tue nhan tao trong phat thanh xa phuong
 Hà Nội đẩy mạnh phát triển hệ thống phát thanh xã phường.
Cụ thể Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Đối với cấp huyện, đến năm 2023, Hà Nội phấn đấu 100% trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao cấp huyện cơ bản có đủ trang thiết bị và nhân lực.
Đến năm 2025, 100% quận, huyện, thị xã có bảng tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với hệ thống thông tin nguồn thành phố.
Đối với quy mô cấp thành phố, Hà Nội phấn đấu đến năm 2023 sẽ có hệ thống thông tin nguồn thành phố để cung cấp thông tin thiết yếu cho cơ sở. Đến năm 2025 sẽ có 100% sở, ngành thuộc thành phố và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên hệ thống thông tin nguồn thành phố.
Đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch do UBND TP Hà Nội ban hành xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại; hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền; phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở.
Năm 2017, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến người dân để quyết định "số phận" loa phường. Ở thời điểm này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi.
Tuy nhiên sau đó, Hà Nội quyết định giữ nguyên loa phường ở các huyện, xã; giảm dần tại các quận nội thành và sẽ lắp đặt ở những vị trí phù hợp, ít ảnh hưởng đến người dân.
Theo đó, các phường thuộc các quận duy trì từ 5 - 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa), vị trí lắp đặt loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế để quyết định. Đề án cũng thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống truyền thanh tại các phường thuộc nội thành.
Trên thực tế, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn đã có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Cẩm Văn (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho rằng, thông tin về tình hình dịch bệnh giúp người dân chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch. Các thông tin liên quan tới việc triệu tập công dân nhập ngũ, làm căn cước công dân, các chính sách liên quan tới người cao tuổi... cũng rất hữu ích.
Ở ngoại thành, vai trò của đài truyền thanh xã càng lớn, đặc biệt là với những nơi xa trung tâm.
Trưởng Đài Truyền thanh xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) Trịnh Thị Giang cho biết, Bắc Sơn là xã xa trung tâm huyện nhất, có 9 thôn và hơn 17.500 nhân khẩu. Địa bàn rộng, lại là khu vực rừng núi nên vai trò của đài truyền thanh càng quan trọng, là phương tiện tốt để thông tin, triển khai nhiệm vụ đến các thôn làng. Trong các đợt dịch COVID-19, Đài Truyền thanh xã đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến biện pháp phòng, chống dịch thông qua việc tiếp sóng chương trình của đài huyện 2 lượt/ngày, biên tập các chương trình chuyên đề hằng tuần để tuyên truyền đến người dân.
Ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn chia sẻ, những năm qua Đài Truyền thanh xã không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách mà còn là công cụ đắc lực để huy động các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả.
Là một trong 3 xã trọng điểm bị ảnh hưởng bởi Khu liên hợp xử lý chất thải, việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là không chặn xe rác, đã được Đảng ủy và UBND xã Nam Sơn đặc biệt coi trọng.
Ông Hoàng Văn Chung, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho hay: Toàn xã có 75 loa truyền thanh được lắp đặt ở 5 thôn, hiện hoạt động rất hiệu quả. Khi cần đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng ủy - HĐND, chỉ đạo của UBND đến với người dân thì kênh phát thanh - truyền thanh vẫn là phương tiện phổ biến nhanh nhất, hiệu quả nhất, đặc biệt là với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đài Truyền thanh xã Nam Sơn truyền thanh trực tiếp các kỳ họp của HĐND xã để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát các hoạt động của Hội đồng, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các đại biểu dân cử tại địa phương...
>>> Mời độc giả xem thêm video Xét xử các đối tượng hoạt động lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống phá Nhà nước:

(Nguồn: THĐT)

Thiên Tuấn