Báo cáo số 789 của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội (ngày 28/5/2018) từ tháng 10/2012 đến ngày 31/3/2018 cho biết, Hà Nội đã ra quyết định thu hồi đất với 22 đơn vị. Trong số này, dự án có diện tích bị thu hồi lớn nhất là Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương với hơn 32.491 m2 đất tại Đức Thượng, huyện Hoài Đức.
Trong danh sách 22 đơn vị, dự án bị thu hồi đất cũng có không ít những những doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Tổng công ty công trình Đường sắt với 808,9 m2 đất bị thu hồi tại số 33 Láng Hạ, quận Đống Đa; Công ty CP Đầu tư phát triển CONTREMIM; Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội với 1.298 m2 đất bị thu hồi tại ngõ 84 Chùa Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 161 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau.
Nhưng con số báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường lại “vênh” với báo cáo Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai.
|
Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai 14 năm vẫn "bỏ hoang". |
Tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội theo báo cáo Hội đồng nhân dân lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23...
Báo cáo của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai được đánh giá là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô...
Trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với nhóm dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với nhóm dự án chậm 24 tháng theo tiến độ thực hiện phê duyệt, sở Quy hoạch và Kiến trúc đối với nhóm dự án chậm nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch
Theo VOV