Trong văn bản mới nhất của UBND TP Hà Nội, Giấy đi đường của một số cơ quan, tổ chức phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi sở tại (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Theo Công điện 18, để phòng chống dịch trong thời điểm giãn cách xã hội (6h ngày 23/8), UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấp và sử dụng giấy đi đường.
Ngoài giấy đi đường ban hành theo Công văn số 2434 ngày 29/7, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền sở tại nơi cơ quan, đơn vị hoạt động.
|
Một chốt kiểm dịch tại Hà Nội. |
UBND cấp phường/xã kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn đối với các đơn vị, cụ thể:
Các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội: Phối hợp UBND xã, phường, thị trấn để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường.
Các Khu, Cụm công nghiệp: Địa phương chủ động phối hợp các Chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.
|
Mẫu giấy đi đường ban hành theo Công văn 2434 ngày 29/7. |
Đối với các Chợ: Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Dựa trên danh sách do Ban Quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.
Tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: Phối hợp cùng UBND xã, phường, thị trấn để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
Công an TP và UBND quận, huyện, thị xã được giao siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại chốt kiểm soát. Khi phát hiện người sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, lực lượng tại chốt thông tin đến công an cấp xã nơi có đơn vị, tổ chức cấp giấy đi đường để chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm.
Trao đổi với PV
Báo Tri thức và Cuộc sống, ông
Lưu Xuân Dũng, Chủ tịch phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm cho biết, theo quy định, Giấy đi đường các cơ quan, đơn vị cấp cho cán bộ, công nhân viên phải có xác nhận của UBND phường.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, tới sáng nay vẫn chưa có cơ quan, đơn vị đến xin xác nhận của UBND phường cho giấy đi đường của cán bộ, công nhân viên mà mới chỉ gọi điện hỏi về các thủ tục.
Theo Chủ tịch UBND phường Phương Canh, ngay tối qua, khi có chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội, phường đã họp, thống nhất các nội dung để thực hiện, phân công cán bộ trực tại trụ sở để xác nhận cho các doanh nghiệp cấp Giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên.
Trước đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra văn bản tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, để đảm bảo tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên và người lao động của đơn vị lưu thông thuận tiện, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi văn bản kèm theo danh sách người lao động và Giấy đi đường của từng cá nhân của đơn vị gửi tới UBND phường nơi đặt trụ sở để xem xét, phê duyệt đúng đối tượng khi tham gia giao thông.
Chủ tịch UBND các phường được giao tiếp nhận đăng ký, quản lý danh sách của đơn vị và xem xét, phê duyệt Giấy đi đường của từng cá nhân đảm bảo đúng đối tượng được làm việc.
Hình thức phê duyệt là ký xác nhận, đóng dấu vào góc dưới bên trái Giấy đi đường. Trả Giấy đi đường đến đơn vị ngay trong ngày.
UBND quận Hai Bà Trưng giao công an quận, đội Thanh tra GTVT, UBND các phường chỉ đạo lực lượng thuộc đơn vị tại chốt kiểm soát kiểm tra đầy đủ, yêu cầu xuất trình kèm theo giấy đi đường, căn cước công dân/chứng minh nhân dân; văn bản của Công ty, đơn vị sử dụng lao động.
Lý giải về ban hành văn bản này, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, đây là việc nhằm đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội và kiểm soát người dân tham gia giao thông, triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.
>>> Mời quý độc giả xem video: Ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ Hà Nội
Hiểu Lam - Văn Đạt