Trong cuộc họp rà soát việc đón học sinh trở lại trường học trực tiếp ngày 7/2, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết học sinh lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành dự kiến trở lại trường vào ngày 21/2. Học sinh từ lớp 1-6 thuộc 18 huyện, thị xã quay lại trường vào ngày 10/2.
Hiện dịch bệnh tại Hà Nội vẫn phức tạp với gần 3000 ca nhiễm mỗi ngày, trong khi học sinh lớp 1 đến lớp 6 chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng việc cho học sinh trở lại lớp học có an toàn?
|
Việc cho học sinh trở lại trường học là mục tiêu đúng. (Ảnh: KT&ĐT) |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, việc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là mục tiêu đúng đắn. Bởi vì học sinh đã học trực tuyến quá lâu, chất lượng giáo dục không đảm bảo và học sinh cũng cần phát triển một cách bình thường.
“Tuy nhiên, vẫn còn những phụ huynh băn khoăn trong bối cảnh dịch bệnh ở Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Do đó, bây giờ, để học sinh trở lại lớp học an toàn, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở phải chuẩn bị thật tốt việc phòng chống dịch cho trẻ em, đồng thời khẩn trương tiêm vắc xin cho trẻ em. Hiện WHO mới phê duyệt một số vắc xin cho trẻ”, PGS.TS Bùi Thị An nêu ý kiến.
Bà Bùi Thị An cho rằng, kể cả trường hợp chưa tiêm vắc xin nhưng nếu phòng, chống dịch làm tốt, học sinh vẫn có thể đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên phải có phương án cho từng trường, cơ sở giáo dục và phải kiểm tra thật kỹ chuyện phòng, chống dịch của từng cơ sở để đón học sinh.
“Nhà trường phải chuẩn bị thật kỹ các cơ sở, điều kiện phòng chống dịch để không xảy ra những sự cố đáng tiếc, đảm bảo an toàn trường học. Việc này sẽ khiến phụ huynh yên tâm quay lại làm việc, sản xuất, không ảnh hưởng đến các chuỗi sản xuất và các mục tiêu khác. Phải quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục trong đảm bảo an toàn phòng dịch”, bà An nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cũng khẳng định, ông ủng hộ chủ trương mở cửa trường học bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của giáo viên, học sinh sinh viên.
Đặc biệt, theo ông Nga, sau 2 năm chống chọi với dịch, chúng ta đã biết rõ cơ chế lây truyền nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ cộng đồng, không còn "hoang mang" như thời kỳ đầu của đại dịch.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, nếu có lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Do đó quan điểm của ông cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học online quá lâu.
Tại Hội thảo trực tuyến về tổ chức dạy học trực tiếp an toàn chống dịch, do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 19/1, nhiều chuyên gia Y tế cũng cho rằng, không thể chờ đợi thêm nữa, đây là thời điểm phù hợp để đưa trẻ em trở lại trường học.
GS, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng khẳng định, hiện nhiều người đặt câu hỏi: "Bao giờ mới an toàn trở lại"?. Ông Trí cho rằng, câu hỏi này hoàn toàn có lý nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.
Theo ông Trí, đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại.
"Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", ông Trí nói và cho rằng, để học sinh trở lại trường an toàn, cần nhất ở ba công đoạn: Ở nhà, trên đường đi và tại trường học. Trong đó, công đoạn ở nhà quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng chống khác nhau. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thực sự an toàn, sau đó mới đến các phương án chống dịch ở nhà trường nếu học sinh đi học trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã điều chỉnh hoạt động dạy học để thích ứng với dịch. Những nơi an toàn dạy học trực tiếp, nơi nào dịch phức tạp thì dạy trực tuyến kết hợp truyền hình. Nhiều nơi, trẻ em không được đến trường hoặc đến trường rất ít đã tác động đến sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.
Hiện nay, cả nước đã tiêm vắc xin đạt tỉ lệ cao, người dân cũng nâng cao hiểu biết về phòng, chống dịch. Chính phủ cũng chỉ đạo cần thiết xem xét việc mở cửa trường học thích ứng an toàn và có điều chỉnh linh hoạt từng thời điểm nhằm phù hợp với dịch bệnh.
Số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, trên 99% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (cấp THCS, THPT) đã tiêm vắc xin (mũi 1 và mũi 2).
Để đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường triển khai tốt kế hoạch chuyên môn, đặc biệt chủ động trong công tác phòng chống dịch, bổ sung trang thiết bị y tế; huy động giáo viên, cha mẹ học sinh hỗ trợ vệ sinh trường lớp. Với các trường học được địa phương trưng dụng làm nơi cách ly, thu dung, điều trị COVID- 19, đề nghị báo cáo địa phương khẩn trương trả lại mặt bằng và tiến hành vệ sinh khử khuẩn theo quy định của cơ quan y tế.
Điểm mới trong xử lý F0 đó là khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo công tác chuyên môn; không để xảy ra tình trạng vì một học sinh mà cả lớp, cả trường phải dừng học.
Sở GD&ĐT lưu ý các trường nắm rõ quy trình xử lý tình huống khi có F0 trong trường học theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Nếu phát hiện học sinh là F0, giáo viên cần bình tĩnh, không làm học sinh hoảng sợ. Những học sinh tiếp xúc gần F0 được coi là F1, nhà trường sẽ báo cáo cơ quan y tế cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến; những trường hợp còn lại trong lớp theo dõi sức khỏe, nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường.
Bên cạnh đó, các trường cần thống nhất kịch bản, phương án đón học sinh, nhất là lúc đầu giờ và có thông báo rõ ràng cho phụ huynh, tránh ùn tắc, tập trung đông người tại cổng trường, khuyến khích phụ huynh đo thân nhiệt cho con ở nhà; triển khai ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong việc tự nguyện cho học sinh đi học, đảm bảo một cung đường hai điểm đến; kiểm soát chặt chẽ người lạ vào trường để tránh nguy cơ lây nhiễm. Giai đoạn đầu đến trường, cần cho học sinh làm quen nề nếp học tập và phòng dịch; thầy cô giáo đóng vai trò là người tuyên truyền, hướng dẫn học sinh; khi có tình huống bất thường, cần báo cáo ngay cơ quan y tế và ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19:
Hải Ninh