Hà Nội “mở cửa”... kịch bản nào để không “bung, toang“?

Google News

Hà Nội tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép người dân thể dục, thể thao ngoài trời, được mở lại 1 số loại hình kinh doanh, buôn bán. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng vẫn lo lắng đặt vấn đề: Kịch bản nào để không "bung, toang"?

“Từ ngày 28/9, UBND TP Hà Nội cho phép người dân thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người. Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa”, đây là nội dung văn bản số 3242 của UBND TP Hà Nội vừa mới ban hành điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Chỉ thị mới đây của UBND TP Hà Nội về nới lỏng giãn cách, thành phố cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại.
Việc Hà Nội “mở cửa” trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến nhiều người dân đặt câu hỏi: Kịch bản nào để Hà Nội không “bung, toang”?
Ha Noi “mo cua”... kich ban nao de khong “bung, toang“?
Người dân được tập thể dục, thể thao ngoài trời từ 28/9. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: "Việc Hà Nội “mở cửa”, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở thời điểm này là cần thiết nhưng phải có kiểm soát để đảm bảo an toàn. Đây là điều rất quan trọng, chứ để mãi thành phố im lặng thì rất gay go. Tuy nhiên, mở ra như vậy đặt ra vấn đề phải kiểm soát, giám sát thế nào để đảm bảo cho người dân an toàn, cho Thủ đô an toàn trước nguy cơ dịch bệnh. Vì như việc Hà Nội cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời phải có biện pháp giám sát, quản lý đảm bảo an toàn phòng dịch”.
PGS.TS Bùi Thị An tin rằng, Hà Nội đã có kịch bản và sẽ làm được. “Nếu Hà Nội cứ đóng cửa để quản lý thì không được, áp dụng nới lỏng các biện pháp là cần thiết. Mục tiêu hiện tại vẫn phải phục hồi kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường trong an toàn. Tuy nhiên, muốn đạt được phải nâng cao trách nhiệm rất nhiều, kể cả ý thức người dân. Đặc biệt ở các cơ quan quản lý” - bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Ha Noi “mo cua”... kich ban nao de khong “bung, toang“?-Hinh-2
PGS.TS Bùi Thị An. 
Bày tỏ sự đồng tình ủng hộ việc Hà Nội nới lỏng các biện pháp phòng dịch, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, chủ trương nới lỏng là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân hiện tại sau một thời gian dài giãn cách xã hội.
“Việc cho người dân thể dục, thể thao ngoài trời, hạn chế số lượng người, tuân thủ 5K là rất tốt. Tôi vẫn thường băn khoăn, tại sao không cho người dân tập thể dục, đi bộ bởi không ảnh hưởng nhiều đến phòng chống dịch bệnh mà còn giải tỏa, giúp người dân bớt bí bách, tránh tâm lý tự kỷ. Đây là chủ trương đúng và cần những biện pháp như vậy để giải quyết nhu cầu của người dân, cùng với đó là điều kiện phát triển về mặt kinh tế” - PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, cần xem xét ở góc độ khoa học, chỗ nào, môi trường nào dễ khuếch tán virus để đưa ra các biện pháp phù hợp.
“Ví như các trung tâm thương mại cần phải có tính toán chặt chẽ hơn, lượng người vào thế nào cho phù hợp và thực hiện nghiêm 5K, bởi những nơi này kín, virus dễ lây lan hơn. Về mặt khoa học, đây là nơi dễ lây hơn ngoài trời. Vừa giãn cách, vừa nới lỏng, đồng thời vừa xem xét ở góc độ khoa học của ngành Y để áp dụng các biện pháp phù hợp, xử lý các tình huống có thể xảy ra” - PGS.TS. Lâm Bá Nam góp ý.
Ha Noi “mo cua”... kich ban nao de khong “bung, toang“?-Hinh-3
 PGS.TS. Lâm Bá Nam.
Theo văn bản 3242/UBND-KGVX, cùng với việc cho phép thực hiện một số hoạt động, của UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và thành phố.
Sở Y tế phối hợp các đơn vị tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh; tiếp tục rà soát các trường hợp chưa được tiêm vắc xin mũi 1 để hoàn thành việc tiêm vét và hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho các trường hợp đến thời hạn tiêm.
UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm và chấp hành các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện khai báo y tế.
Người dân được yêu cầu quét mã QR tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, các đơn vị trên địa bàn. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ xây dựng kịch bản theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người dân Hà Nội vẫn tập thể dục sáng bất chấp lệnh cấm:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh