Đơn vị, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng NVSCC ở TP Hà Nội bị xuống cấp, hoạt động không hiệu quả?
Nhà vệ sinh bị chiếm dụng
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, hàng trăm nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) của TP Hà Nội đang rơi vào tình trạng xuống cấp, bẩn thỉu, hôi thối không thể sử dụng. Thậm chí, nhiều NVSCC bị người dân chiếm dụng để kinh doanh, trú ngụ...khiến mục tiêu “Vì môi trường xanh – sạch – đẹp” của Thủ đô lại trở thành nơi gây ô nhiễm môi trường.
Tại đường Nguyễn Hoàng (cạnh bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm), NVSCC bị cỏ cây mọc um tùm, che khuất. Phía sau công trình được nhân viên trông giữ tận dụng để bán nước.
“NVSCC này chỉ dành 1 khu vực nhỏ bên trái để khai thác sử dụng. Bên phải thì phủ kín bằng giấy dán tường, không cho sử dụng. Toàn bộ không gian còn lại bị chiếm dụng để bán nước, thẻ điện thoại, thậm chí cả đồ ăn nhanh mì tôm, bánh mì…rất mất vệ sinh”, ông K, người thường xuyên chạy xe ôm khu vực bến xe Mỹ Đình cho hay.
|
NVSCC bên cạnh bến xe Mỹ Đình bị chiếm dụng làm quán nước. |
Theo quan sát, NVSCC không được chia tách riêng biệt khu nam – nữ mà đã gộp lại để “tiết kiệm” diện tích bán hàng. Phía trong nhà vệ sinh khá chật trội, hạ tầng xuống cấp, bồn tiểu nam cũng đã bịt kín túi nilon vì hệ thống nước không có, phải múc nước sẵn trong chậu xối, vòi rửa tay hỏng khoá, vòi xịt treo lủng lẳng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên… Tuy nhiên, khi có người đến sử dụng NVSCC thì vẫn phải mất 3.000 - 5.000 đồng/lượt cho người bán nước.
Trên đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân), NVSCC rơi vào tình trạng bỏ hoang không hoạt động, cửa khoá trái. Nhìn vào bên trong, một cảnh tượng kinh hoàng khi bệ, bồn nhà vệ sinh cáu bẩn, chất nhầy đóng từng mảng kèm theo mùi hôi thối nồng nặc.
“Nhà vệ sinh ở đây đã bị bỏ hoang từ lâu. Nhiều người có nhu cầu sử dụng nhưng khi vào thấy cảnh tượng ô uế lại phóng uế bừa bãi cả trong lẫn ngoài nên càng làm nhà vệ sinnh thêm kinh tởm. NVSCC như thế này ở giữa lòng Thủ đô rất mất vệ sinh và mất mỹ quan đô thị”, anh Trung, người dân phường Nhân Chính ngao ngán.
|
Cảnh tượng kinh hoàng bên trong NVSCC ở đường Giáp Nhất. |
Tại đường Láng, nhiều NVSCC cũng rơi vào cảnh xập xệ, hư hỏng. Mặc dù vẫn có nhân viên dọn dẹp, nhưng trang thiết bị hầu như hư hỏng. Hệ thống nước không có, phải đựng bằng thau chậu, các chốt sắt bị gỉ sét, bồn rửa tay bị tháo, hệ thống đèn điện, quạt thông gió đều không còn...
Một nhân viên lao công cho biết: “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ lau dọn ở đây. Còn việc quản lý, vận hành thế nào thì không biết”.
Ai chịu trách nhiệm?
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, năm 2017, TP Hà Nội triển khai xây dựng dự án 1.000 NVSCC nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị. Nhưng sau hơn 5 năm triển khai, đến nay mới chỉ có gần 400 NVSCC ở 12 quận, huyện, thị xã. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Số lượng đã ít lại nằm rải rác ở các quận, huyện cho thấy sự thiếu hụt NVSCC và hệ quả của việc đầu tư không đồng bộ.
Đáng chú ý, phần lớn NVSCC tại Hà Nội đều bị “bỏ rơi”, không được quản lý, vận hành theo quy trình dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây thêm mất vệ sinh. Đặc biệt là việc bị người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích gây lãng phí phần diện tích đất công cộng và mất mỹ quan đô thị...
Được biết, theo phân cấp, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức duy trì các NVSCC trên địa bàn. Riêng các NVSCC do doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt theo hình thức xã hội hóa, Sở Xây dựng tạm thời quản lý và giao Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện duy trì.
|
NVSCC ở Hà Nội đều bị hư hỏng, xuống cấp, không sử dụng hiệu quả. |
Cuối tháng 6/2022, Công ty Vinasing đã tiến hành khảo sát tất cả hệ thống nhà vệ sinh công cộng nằm trong dự án được phía đơn vị thực hiện từ năm 2017.
Cụ thể, cuối năm 2016 Công ty Vinasing được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc hoặc inox phục vụ cộng đồng. Đổi lại, Công ty Vinasing được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ.
Thế nhưng trên thực tế, công ty này đã khai thác quảng cáo, thu lợi nhiều năm qua nhưng tiến độ xây dựng nhà vệ sinh công cộng thì ì ạch. Tính đến thời điểm hiện tại, sau 5 năm triển khai, Công ty Vinasing mới xây dựng và đưa vào hoạt động 87 nhà vệ sinh công cộng.
Trao đổi với Báo chí, ông Lê Quý Hòa, Giám đốc Công ty Vinasing cho biết: “Một số nhà vệ sinh bị khóa cửa theo như báo chí phản ánh, phía công ty Vinasing đã giao toàn bộ quyền quản lý cho Công ty URENCO. Nên việc đóng, mở và vận hành nhà vệ sinh như thế nào là trách nhiệm của Công ty URENCO. Vinasing sau khi bàn giao nhà vệ sinh chỉ thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ hoặc sửa chữa lớn”.
Cũng theo ông Hoà, dự kiến ban đầu, Công ty Vinasing sẽ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa nhằm phục vụ nhu cầu người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị tuy nhiên đến nay Sở Xây dựng TP Hà Nội đã đồng ý cho chủ đầu tư rút xuống còn… 300 nhà vệ sinh công cộng.
Lý giải về việc sau 5 năm triển khai mới xây dựng được 87 nhà vệ sinh công cộng, Giám đốc Công ty Vinasing nói rằng: Do dịch COVID-19 bùng phát; Do nhiều thiết kế nhà vệ sinh mà công ty trình lên Sở Xây dựng TP Hà Nội không được thông qua; Do nhiều khu vực áp lực nước rất kém nên không thể lắp đặt…
Theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao 2/3 (70%) số nhà vệ sinh mới được phép quảng cáo nhưng thực tế suốt nhiều năm qua Công ty Vinasing chưa hoàn thành cam kết với TP Hà Nội nhưng đã khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới.
Năm 2019, trong quá trình kiểm tra, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phát hiện một số vi phạm khi Công ty Vinasing lắp đặt biển và quảng cáo trên cầu vượt như thực hiện nội dung khi chưa được chấp thuận, hết thời hạn thực hiện chưa kịp thời tháo dỡ nội dung quảng cáo...
>>> Mời độc giả xem thêm video Trải nghiệm nhà vệ sinh công cộng “nhìn xuyên thấu” ở Nhật Bản
Thiên Tuấn - Nguyễn Hải