Tại buổi tiếp, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak đánh giá cao sự phát triển của Hà Nội, cho rằng chuyến thăm lần này là dịp quý báu để tìm hiểu về văn hoá và cuộc sống người dân Thủ đô.
|
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tiếp Tổng Thư ký Toà trọng tài thường trực (PCA) Marcin Czepelak.
|
Chia sẻ về hoạt động của Văn phòng đại diện PCA tại Hà Nội trong thời gian tới, Tổng Thư ký Marcin Czepelak mong muốn Văn phòng và Thủ đô sẽ tăng cường hợp tác; đồng thời bày tỏ tin tưởng, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ dành sự quan tâm, giúp đỡ các hoạt động của văn phòng đại diện.
Theo ông Marcin Czepelak, với tư cách là Toà Trọng tài Quốc tế, nhiều tranh chấp sẽ được PCA thụ lý ngay tại Việt Nam, đồng nghĩa sẽ có nhiều người nước ngoài tới với Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, là điều kiện lý tưởng để quảng bá Thủ đô và đất nước tới cộng đồng quốc tế.
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký PCA khẳng định sẽ đồng hành cùng Hà Nội trong việc xây dựng một hình ảnh đẹp, tích cực về thành phố.
Nhất trí với những chia sẻ của Tổng Thư ký PCA, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc PCA đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội có thể xem là bước tiến mới quan trọng của ngành tư pháp Việt Nam, đồng thời là khẳng định về sự phát triển của nền tư pháp Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP cũng cho rằng, động thái này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, khi xem xét đầu tư tại Việt Nam.
Nhấn mạnh hoạt động của Văn phòng đại diện PCA tới đây không những đóng vai trò quan trọng với PCA mà với cả Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, ông Lê Hồng Sơn kỳ vọng, sự hiện diện của PCA ngay tại Thủ đô sẽ hỗ trợ khắc phục điểm yếu pháp lý mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi hoạt động trong môi trường quốc tế, đặc biệt là ở một số khía cạnh như tranh chấp quyền sở hữu thương hiệu.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định, Thủ đô Hà Nội sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Văn phòng đại diện PCA, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động ban đầu thường phát sinh nhiều khó khăn; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan của Hà Nội tích cực hỗ trợ Văn phòng đại diện PCA.
Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak nhấn mạnh, sự hiện diện của văn phòng đại diện trên địa bàn thành phố có mối quan hệ tương hỗ, tác động hai chiều với Thủ đô Hà Nội, trong đó có những tác động quan trọng đối với cộng đồng thương mại. Tổng Thư ký PCA tin tưởng, điều này sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thủ đô. Tại buổi tiếp, hai bên cũng đã dành thời gian trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm.
Toà trọng tài thường trực (PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư. PCA đã hỗ trợ giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế trên các lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, phân định biển, kinh tế - đầu tư.
PCA hiện có trụ sở chính tại Cung điện Hòa Bình, thủ đô La Hay của Hà Lan và 5 văn phòng tại Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, Vienna (Áo) và Hà Nội.
Ngày 21/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Marcin Czepelak.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hoà bình, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn đề cao chủ nghĩa đa phương, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó có nguyên tắc hoà bình trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật biển.
Việt Nam coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế, các nước có trách nhiệm tuân thủ cam kết quốc tế, giải quyết hoà bình tranh chấp, bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên theo luật pháp quốc tế; theo đó, phương thức trọng tài là một yêu cầu khách quan của thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả, trong đó có hội nhập về luật pháp. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn hợp tác chặt chẽ với PCA trong tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xử lý các tranh chấp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Thiên Tuấn