Mặc dù diện tích đất tại số 98 Thái Thịnh, quận Đống Đa đã được quy hoạch thành đất xây trường học nhưng hiện các công trình dịch vụ, thương mại vẫn tồn tại, làm khó chính quyền địa phương.
Mỏi mòn chờ đất xây trường học
Những năm gần đây, giáo dục mầm non Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Quận Đống Đa nói riêng đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ với việc tăng tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp, nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục được xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, việc đáp ứng chỗ gửi con của phụ huynh tại các trường mầm non công lập vẫn là thách thức không nhỏ đối với các cấp quản lý, chính quyền quận Đống Đa. Trong đó có địa bàn phường Ngã Tư Sở khi nhiều năm cả lãnh đạo và người dân làm đơn đề nghị UBND thành phố bố trí diện tích đất tại số 98 Thái Thịnh để xây trường mầm non công lập nhưng chưa được hồi đáp.
|
Diện tích đất tại số 98 Thái Thịnh đang tồn tại nhiều công trình kinh doanh dịch vụ thương mại thay vì xây trường học. |
Chị Nguyễn Ngọc Mai, phường Ngã Tư Sở phản ánh: Từ khi Trường mầm non Ngã Tư Sở được khánh thành (năm 2015) niềm vui dường như vẫn còn đọng lại với bà con nhân dân phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) bởi đây là ngôi trường mầm non công lập đầu tiên được xây dựng trên địa bàn. Ngôi trường đã chính thức chấm dứt tình trạng "phường trắng trường mầm non công lập". Đây là một trong rất nhiều những nỗ lực của Hà Nội trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng chỗ học cho trẻ mầm non. Nhưng đáng tiếc đến nay đây vẫn là ngôi trường mầm non công lập duy nhất và hiện đã “quá tải” số học sinh muốn theo học.
Theo chị Mai, cử tri phường Ngã Tư Sở cùng lãnh đạo phường đã rất nhiều lần làm đơn kiến nghị và phản ánh lên cấp trên về việc bố trí diện tích đất tại số 98 Thái Thịnh để xây dựng trường mầm non nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tại số 98 Thái Thịnh hiện đang tồn tại nhiều công trình dịch vụ thương mại kiên cố như: Trung tâm tiệc cưới, siêu thị, cơ sở tập thể dục thể thao, quán cà phê, nhà hàng ăn uống...với diện tích gần 4.000m2. Trong đó, riêng Trung tâm tiệc cưới Vạn Hoa Thái Thịnh có sảnh tiệc lên đến 1.500m2. Việc tập trung quá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên một diện tích đất đang khiến tuyến đường Thái Thịnh bị “bóp nghẹt” không gian, giao thông thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ông Hoàng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, chính quyền địa phương đã có nhiều kiến nghị UBND thành phố và UBND quận Đống Đa về việc bố trí phần diện tích đất của HTX công nghiệp Đống Đa tại địa chỉ 98 Thái Thịnh để xây dựng trường mầm non vì hiện nay trên địa bàn phường Ngã Tư Sở mới chỉ có 1 trường mầm non công lập, chưa đáp ứng được quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố. Nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp.
“Hiện HTX công nghiệp Đống Đa vẫn đang cho thuê đất để làm dịch vụ, thương mại”, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở nói.
Nỗi lo quy hoạch “treo”
Cuối năm 2020, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri về đề nghị bố trí phần diện tích đất của HTX công nghiệp Đống Đa tại địa chỉ 98 Thái Thịnh để xây dựng trường mầm non, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy hoạch chi tiết quận Đống Đa, tỷ lệ 1/2000 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 32/2000/QĐ-UB ngày 3/4/2000, khu đất số 98 Thái Thịnh thuộc khu vực có chức năng là đất trường học. Sở Quy hoạch – Kiến trúc đề xuất UBND Thành phố xem xét, giao UBND quận Đống Đa chủ trì kiểm tra, rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng trường học tại khu đất 98 Thái Thịnh.
|
HTX công nghiệp Đống Đa cho các doanh nghiệp thuê đất để kiếm lời. |
Tuy nhiên, theo nội dung trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống của lãnh đạo UBND phường Ngã Tư Sở và phản ánh của cử tri địa phương thì đến nay quyết định quy hoạch trên vẫn chưa được thực hiện, vẫn nằm trên giấy tờ. Đặc biệt, mục đích sử dụng đất tại số 98 Thái Thịnh là xây dựng trường học cũng không được triển khai mà thay vào đó là việc cho thuê đất nhằm mục đích kinh doanh dịch vụ thương mại giữa HTX công nghiệp Đống Đa với các doanh nghiệp khiến dư luận bức xúc và hoài nghi về việc đây có thể là một quy hoạch “treo” của thành phố Hà Nội.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án “treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Theo Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Để khắc phục tình trạng quy hoạch “treo", dự án “treo", ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó có mục tiêu phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề quy hoạch “treo", dự án “treo" ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm; xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch…
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ
Thiên Tuấn