Hà Nội: Xét xử “nữ quái” chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng

Google News

(Kiến Thức) - Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gần 300 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Lan (46 tuổi, Thanh Hóa) đề nghị HĐXX triệu tập 4 người liên quan đến tòa để đối chất làm rõ vụ án.

Ngày 21/12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Lan (SN 1974, ở khu phố 7, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gần 300 tỷ đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ha Noi: Xet xu “nu quai” chiem doat gan 300 ty dong
 Bị cáo Nguyễn Thị Lan tại phiên tòa xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 
Theo cáo trạng, Lan không có nghề nghiệp ổn định, nhưng với mục đích kiếm nhiều tiền, Lan tự đưa ra thông tin gian dối về việc bản thân có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ rồi đem bán ra ngoài sẽ được lợi nhuận cao.
Ngoài ra, Lan còn nói với mọi người là mình có quan hệ làm ăn với lãnh đạo Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam và các quan chức trong ngành xi măng.
Nếu ai muốn đầu tư kiếm lợi nhuận thì đưa tiền cho Lan để mua máy móc và chia lợi nhuận cao. Do lầm tưởng những điều Lan nói là thật, nhiều người đã đưa tiền cho Lan.
Để tạo lòng tin ban đầu, Lan luôn trả tiền gốc và chia lợi nhuận đúng hẹn. Nhưng cũng ngay sau đó, Lan tiếp tục huy động vốn với số tiền lớn hơn nhằm chiếm đoạt.
Thực hiện tội phạm, Lan lập tài khoản zalo tên “buiminh” và giới thiệu với các bị hại là của Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam. Sau đó Lan nhắn tin cho các bị hại mạo nhận là ông Minh; lập các hợp đồng mua bán khống để chiếm đoạt tiền.
Từ năm 2014 đến tháng 9/ 2017, Lan đã lừa đảo chiếm đoạt của 31 người với tổng số tiền hơn 291 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Lan khai đã dùng tiền của 31 bị hại đưa cho ông Bùi Hồng Minh (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) khoảng 129 tỷ đồng; đưa cho ông Nguyễn Sỹ An (quê Nghệ An) hơn 42 tỷ đồng. Nhưng ông Minh và ông An không thừa nhận lời khai của Lan.
Tại phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Thị Lan đề nghị HĐXX triệu tập đến tòa 4 người liên quan để làm rõ vụ án là ông Bùi Công Trình (SN 1976, ở Thanh Hóa), ông Bùi Hồng Minh (SN 1971, ở Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Giỏi (SN 1971, ở Thanh Hóa) và bà Mai Á Đông (SN 1988, ở Thanh Hóa).
Trình bày trước tòa, nhiều bị hại, luật sư cũng đồng quan điểm với bị cáo, đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập những người liên quan, người làm chứng có mặt tại tòa để làm rõ các tình tiết của vụ án, số tiền Lan chiếm đoạt sử dụng như thế nào. Bởi lẽ, nhiều bị hại từng gặp, trò chuyện và trao đổi với những người trên do Lan giới thiệu với một cái tên khác, chức danh khác khiến mọi người tin tưởng.
Đại diện VKSND TP Hà Nội cho biết, tổng số có 31 bị hại trong vụ án nhưng tại phiên tòa có mặt 17 bị hại. Trong 14 bị hại vắng mặt có một số bị hại không nhận được giấy triệu tập do đã thay đổi địa chỉ. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bị hại, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau khi HĐXX thảo luận đã quyết định hoãn phiên tòa và sẽ xử lại vào 8h30 sáng 11/1/2021.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Đăng Khoa, Văn phòng Luật sư Đăng Khoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một số bị hại cho biết, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Lan đã đề nghị HĐXX triệu tập 4 người là ông Bùi Công Trình, Bùi Hồng Minh, Nguyễn Xuân Giỏi và bà Mai Á Đông đến tòa để làm rõ những tình tiết của vụ án là đề nghị chính đáng. Bởi lẽ, nếu những người trên không có mặt tại phiên tòa trong phiên xét xử tới sẽ gây khó khăn cho việc thẩm vấn, đối chất, đánh giá chứng cứ tại phiên tòa với mục đích làm sáng tỏ sự thật của vụ án.
Chính sự vắng mặt của những người nói trên cùng với sự vắng mặt của một số bị hại được tòa án triệu tập đã ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án, buộc Hội đồng xét xử phải ra quyết định hoãn phiên tòa xét xử ngày 21/12.
Luật sư Khoa cho biết thêm, theo quy định tại điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 hiện hành: “Dẫn giải có thể áp dụng đối với: a) người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan…”. Như vậy, nếu người vắng mặt là người làm chứng, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp dẫn giải (nếu thấy cần thiết) để đảm bảo cho hoạt động tố tụng được thuận lợi.
Mặt khác, theo Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nguyên tắc xác định sự thật của vụ án nêu rõ: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cơ quan có thẩm quyển tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ …”.
Việc hồ sơ vụ án chưa làm rõ được bị cáo Nguyễn Thị Lan lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại đã sử dụng tài sản chiếm đoạt được như thế nào cho thấy kết quả của việc điều tra, truy tố chưa thể thực hiện triệt để được tinh thần của nguyên tắc nói trên, điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là chưa có cơ sở thể thu hồi lại đầy đủ tài sản (bị thiệt hại) cho người bị hại, là một trong những mục tiêu quan trọng của việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Mời xem video: Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Hiểu Lam