Diễn biến mới nhất vụ việc Công ty Kim Bôi bị tố nổ mìn nứt nhà dân, mới đây, Sở Công Thương Hải Dương thông báo mời các đơn vị tư vấn giám sát tham gia giúp Hải Dương trong việc đánh giá mức độ rung chấn nổ mìn đối với hoạt động khai thác than hầm lò tại mỏ Cổ Kênh, phường An Lạc (thành phố Chí Linh, Hải Dương).
|
Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cùng Đoàn công tác kiểm tra quá trình hoạt động khai thác mỏ tại Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi. |
Nội dung công việc là đo, đánh giá mức độ rung chấn trong quá trình nổ mìn khai thác than tại mỏ Cổ Kênh của Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi chi nhánh Hải Dương, thời gian hoàn thành trước ngày 31/8. Mức sâu khai thác từ âm 100 đến mức âm 180m. Vị trí cần giám sát ảnh hưởng nổ mìn, đánh giá rung chấn trên mặt bằng gồm: Công trình công cộng, nhà dân và một số vị trí do cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Đơn vị đo rung chấn phải bảo đảm kết quả đo khách quan, phản ánh đúng thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.
Việc đánh giá mức độ rung chấn trong hoạt động nổ mìn khai thác than hầm lò của Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi chi nhánh Hải Dương là một trong những nội dung được ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo trong buổi làm việc với lãnh đạo công ty này ngày 25/7.
|
Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi tại Hải Dương. |
Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Công Thương Hải Dương chủ trì, phối hợp với Công ty Kim Bôi, các sở, ngành, đơn vị liên quan lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để tổ chức đo rung chấn trong quá trình nổ mìn để khai thác than của Công ty Bôi.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi, đơn vị tư vấn đo rung chấn đảm bảo kết quả đo khách quan, phản ánh đúng thực tế và theo đúng quy định của pháp luật làm cơ sở để đánh giá kết quả kiểm tra.
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã phản ánh về tình trạng khai thác than làm nứt, hỏng nhà dân, gây mất an toàn lao động tại mỏ than của Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi.
Trong thời gian dài, 7 hộ dân phường An Lạc và Văn Đức (thành phố Chí Linh, Hải Dương) đã gửi đơn tới nhiều cơ quan bức xúc vì nhà bị nứt, thậm chí có vị trí vết nứt khá to chạy dọc giữa tường và nền nhà. Theo phản ánh, những vết nứt xuất hiện từ khi Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi thực hiện nổ mìn phục vụ sản xuất, khai thác than.
Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi tại KDC Trại Nẻ bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh khai thác mỏ từ 14/4/2016. Diện tích khai thác mỏ là 60ha, diện tích sân công nghiệp và phụ trợ là 16,95ha, công suất được phép khai thác là 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, đã xảy ra một số vấn đề cần phải giải quyết tránh gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Theo các cơ quan chức năng Hải Dương, Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi chi nhánh Hải Dương đang thực hiện dự án chậm, chưa hoàn thiện thủ tục thuê đủ diện tích theo quy hoạch được phê duyệt; chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước mặt, nước thải hầm lò, chưa xây kè chắn tại bãi thải; xảy ra tai nạn lao động năm 2021...
|
7 hộ dân đã gửi đơn tới nhiều cơ quan vì nhà bị nứt ở góc, gầm cầu thang, nền nhà. |
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, theo quy định tại Điều 55 Luật Khoáng sản 2010, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.
Nếu qua quá trình điều tra, xác minh Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi nổ mìn khai thác than làm rạn, nứt và hư hỏng nhà của các hộ dân, công ty này cần có nghĩa vụ bồi thường. Vấn đề bồi thường thiệt hại tuân theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi không thống nhất thoả thuận được mức đền bù thiệt hại, các hộ dân có quyền khởi kiện tới toà án để được giải quyết.
Cần làm rõ nguyên nhân 2 vụ tai nạn lao động
Quá trình khai thác mỏ, Công ty Cổ phần khoáng sản Kim Bôi từng nhiều lần để xảy ra tai nạn lao động khiến nhiều công nhân thiệt mạng. Cụ thể, tháng 1/2021, khai trường hầm lò này xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 4 người tử vong và nhiều người bị thương. Đến giữa năm 2021, khai trường này tiếp tục xảy ra tai nạn lao động nữa khiến 1 công nhân tử vong.
Tại buổi làm việc ngày 25/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động gần đây tại công ty này để đảm bảo quyền lợi của người lao động và thân nhân người lao động.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, đối với những tai nạn lao động chết người, theo Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ tai nạn, tổn thương nào đến với người lao động cũng mặc định là tai nạn lao động, bởi đặc trưng của tai nạn lao động là gắn với yếu tố “xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Cần điều tra, làm rõ 2 vụ tai nạn lao động xảy ra tại công ty này có thuộc trường hợp bị tai nạn lao động hay không, từ đó sẽ xác định được rõ trách nhiệm của công ty đối với nạn nhân. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động được quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khai thác khoáng sản 'bỏ quên' lợi ích người dân:
Hải Ninh