Thời gian gần đây, nhiều người dân sống xung quanh núi Thần thuộc địa phận thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) tỏ ra lo lắng khi một doanh nghiệp thường xuyên nổ mìn khai thác đá tại nơi đây.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, tại khu vực núi Thần, công ty TNHH Hoàng An thường xuyên tiến hành các hoạt động khai thác đá. Người dân xung quanh nơi công ty này khai thác luôn phải sống trong cảnh khói bụi và nỗi lo lắng đá rơi sau mỗi tiếng nổ mìn. Nhiều người dân khu 2, nơi sát địa điểm khai thác đá của doanh nghiệp này còn cho biết, nhiều ngôi nhà của họ bị nứt tường, hỏng mái do việc nổ mìn.
|
Điểm khai thác đá văng xuống nhà dân khi doanh nghiệp nổ mìn. |
|
Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. |
Nỗi lo lắng của người dân đã trở thành hiện thực khi trưa ngày 3/11, sau tiếng nổ lớn khi công ty TNHH Hoàng An tiến hành khai thác đá tại khu vực núi Thần thuộc khu 2, thị trấn Phú Thứ, một lượng đá từ ngọn núi Thần đã rơi xuống khu dân cư, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân khi đá rơi làm mái tôn, mái ngói của nhiều gia đình bị thủng, nền sân xi măng bị hư hỏng. Thậm chí đá rơi cả vào khu vực trường mầm non của địa phương khiến người dân lo lắng.
Bà Vũ Thị Ngoan (SN 1945, trú tại khu 2, Lỗ Sơn, Thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết, gia đình bà nằm sát ngay khu vực chân núi Thần, nơi cách đó vài trăm mét là hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty TNHH Hoàng An.
“Bình thường doanh nghiệp này cứ 11h trưa là doanh nghiệp họ bắn mìn để khai thác đá. Trưa hôm 3/11, sau tiếng nổ lớn là đá văng xuống nhà tôi và các nhà lân cận. Có nhà bị vỡ ngói, may khi đó, tôi không ra khỏi nhà chứ nếu ở ngoài thì không biết ra sao khi bị đá rơi vào người. Người dân ở đây luôn sống trong lo lắng nếu doanh nghiệp không có các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân khi họ khai thác đá tại ngọn núi này”, bà Ngoan cho biết.
|
Bà Vũ Thị Ngoan kể lại giây phút đá từ núi văng xuống nóc nhà sau tiếng nổ mìn. |
|
Bà Ngoan lo lắng vì nhà bà gần ngay điểm khai thác đá. |
|
Bà Ngoan chỉ những vết nứt xuất hiện trong nhà. |
Khi xảy ra vụ việc, nhiều người dân đã phản ánh lên UBND thị trấn Phú Thứ. Lãnh đạo UBND thị trấn Phú Thứ ngay sau đó đã cử lực lượng xuống hiện trường lập biên bản sự việc và lên danh sách những hộ dân bị ảnh hưởng. Theo thông tin từ lãnh đạo Thị trấn Phú Thứ, có đến 54 hộ dân bị đá bắn và rơi vào nhà làm hư hỏng mái ngói, sân nhà, trong đó có cả Trường mầm non Phú Thứ cũng bị ảnh hưởng do đợt nổ mìn của doanh nghiệp khai thác đá vào trưa ngày 3/11.
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc trên, các cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty TNHH Hoàng An tạm dừng việc khai thác cắt ngọn núi Thần từ ngày 04/11 đến tháng 1/2016. Bên cạnh đó, Công ty Hoàng An phải có phương án xử lý phần ngọn còn lại một cách cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân khi tiến hành khai thác. Đồng thời, trước mắt, công ty Hoàng An phải có phương án bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Trần Đức Hanh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng An cho biết vụ việc trên là do trục trặc kỹ thuật trong quá trình khai thác, doanh nghiệp đang lên phương án để khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.
Làm việc với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Trọng Trường, PGĐ Công ty TNHH Hoàng An thừa nhận, việc để xảy ra vụ việc trưa ngày 3/11, lỗi của công ty hoàn toàn.
“Do lỗi của cán bộ chỉ đạo về kỹ thuật, hướng bắn bị sai. Trong khi đó, thợ khoan không tính toán chính xác nên khi nổ mìn đá rơi xuống khu vực nhà dân. Về việc này, cán bộ kỹ thuật phải chịu trách nhiệm”, ông Trường cho biết.
|
Nhiều nhà dân vẫn ở ngay điểm khai thác đá. |
“Khi xảy ra sự việc, công ty đã gặp gỡ toàn bộ người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời cho thống kê toàn bộ thiệt hại để có phương án bồi thường cho người dân. Hiện tại công ty đã tạm dừng bắn mìn khu vực trên cao. Khi nào kiểm tra nghiệp vụ, xem xét cán bộ đủ năng lực thực hiện đảm bảo an toàn mới xem xét triển khai”, ông Trường cho biết.
Nói về việc người dân phản ánh khoảng cách cự ly từ điểm khai thác tới nhà dân chưa đến 300 mét, ông Trường cho biết, khi cấp phép khai thác mỏ, cơ quan chức năng đã thẩm định đủ cự ly khai thác mới cấp phép.
“Để xảy ra sự việc trên, đã làm tổn thất tinh thần của người dân, ảnh hưởng đến danh dự của công ty”, ông Trường cho hay.
Trước khi xảy ra vụ việc trên, ngày 5/10/2015, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định số 2534/QĐ- XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với công ty TNHH Hoàng An với số tiền 130 triệu đồng do khai thác vượt công suất đến 10% so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản của năm 2014 (đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp), quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 33 Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và khai thác khoáng sản không đúng công nghệ khai thác, phương pháp khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt, dự án đầu tư khai thác khoáng sản mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bằng văn bản, quy định tại Điều 49 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Điểm b, Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.
Hải Ninh