Khai thác đất để làm đường nội đồng?
Thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) vốn được biết đến như mỏ đất sét lớn trong khu vực. Đây cũng là nơi từng được biết đến là thủ phủ của “đất tặc” với nhiều vụ việc lùm xùm liên quan đến khai thác đất sét trái phép.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, Thị xã Chí Linh đã xây dựng những đề án, chuyên đề tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp nhằm đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép.
Tưởng chừng, với sự nỗ lực của UBND Thị xã Chí Linh, các cơ quan chức năng địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép sẽ được đẩy lùi. Tuy nhiên trên thực tế, việc khai thác đất sét trái phép vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Video Cảnh khai thác đất tại xã Hoàng Tiến:
Theo phản ánh của người dân thôn Phục Thiện (xã Hoàng Tiến, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) thời gian gần đây, xuất hiện nhiều xe tải chở đất lưu thông rầm rộ mà không bị xử lý. Người dân nghi vấn trên địa bàn thôn xuất hiện việc khai thác đất trái phép.
|
Theo phản ánh của người dân thôn Phục Thiện thời gian gần đây, xuất hiện nhiều xe tải chở đất lưu thông rầm rộ mà không bị xử lý. Ảnh: H.N. |
Để tìm hiểu rõ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch UBND xã Hoàng Tiến. Ông Thiệu xác nhận có việc khai thác đất tại một hộ dân trên địa bàn diễn ra thời gian gần đây, nguyên nhân xuất phát từ việc hộ dân này có quả đồi trồng cây lâu năm nhưng không hiệu quả nên đã có đơn xin hạ thấp độ cao và tình nguyện hiến đất để địa phương làm đường nội đồng.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, khu vực khai thác bị đào sâu, những quả đồi bị đào bới nham nhở, khối lượng đất đá, sỏi bị lấy đi rất lớn nhưng phần đất để làm đường nội đồng rất mỏng, không tương xứng với khối lượng đất đá đã khai thác.
|
Khối lượng đất đá, sỏi bị lấy đi rất lớn nhưng phần đất để làm đường nội đồng rất mỏng, không tương xứng với khối lượng đất đá đã khai thác. Ảnh: H.N. |
Ngay trong buổi khảo sát thực tế sáng 15/1/2018, tại chân đồi Hang Hổ (thuộc thôn Phục Thiện, xã Hoàng Tiến) các máy múc vẫn ngang nhiên hoạt động bình thường, các lớp đất vẫn đang được bóc ra thành từng mảng để các xe tải vận chuyển ra bên ngoài. Độ sâu quả đồi đã được khai thác đến 10m2, rộng hàng trăm m2.
Người dân địa phương cho rằng, việc hạ độ cao quả đồi, lấy đất làm đường nội đồng chỉ là cái cớ để hợp thức hóa việc khai thác đất trái phép
Xin cải tạo đồi , hiến đất... để khai thác?
Tương tự như ở xã Hoàng Tiến, tại phường Hoàng Tân (Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) tình trạng xin cấp phép cải tạo đồi để khai thác đất vẫn diễn ra.
Tại khu vực này, thời điểm PV có mặt, các xe xúc vẫn hoạt động mạnh, những xe tải nối nhau chở đất tấp nập trên đường. Tại khu vực khai thác, quả đồi đã bị múc đi một phần đất, trở nên nham nhở.
|
Quả đồi nham nhở do bị khai thác đất. |
Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây có hộ dân ở thôn Đồng Chóc (phường Hoàng Tân, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) gửi đơn đến UBND phường Hoàng Tân và dựa trên tờ đơn này, UBND phường Hoàng Tân có báo cáo lên Thị xã Chí Linh để xin ý kiến chỉ đạo.
Theo đó, hộ dân này xin phép chính quyền địa phương hạ thấp quả đồi để tiện canh tác với lý do: “Mưa to đã gây sạt lở đất xuống lấp đầy sân nhà, gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như không đảm bảo an toàn cho gia đình. Mặt khác, do canh tác trên cao gặp nhiều khó khăn không thuận lợi nên hiệu quả canh tác thấp. Đề nghị các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để gia đình được hạ thấp một phần diện tích (khoảng 600m2), độ sâu xin hạ thấp trung bình 5m”.
Gia đình xin tự nguyện hiến phần đất dư thừa sau hạ thấp (khoảng 3.000m3 đất đồi sỏi) để UBND phường Hoàng Tân san lấp, tu bổ vùng trũng Đọ Xá, đường giao thông và các công trình công ích của địa phương.
Video khai thác đất tại phường Hoàng Tân:
Tuy nhiên thực tế, dù mới khai thác nhưng diện tích đã lên hàng trăm m2, chiều sâu gần chục mét. Ngoài đất đồi, sỏi, ở khu vực khai thác còn xuất hiện đất sét đen có giá trị lớn. Trong khi tại khu vực san lấp vùng trũng Đọ Xá không thấy có loại đất này từ nơi khai thác.
"Có tình trạng ăn cắp... không thể kiểm soát hết được"
Trao đổi với PV về việc khai thác khoáng sản trái phép ở Hải Dương, ông Nguyễn Phúc Thịnh – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Chí Linh cho biết, trên địa bàn phường Hoàng Tân chỉ có một hộ dân xin hạ độ cao quả đồi để đắp vùng. UBND phường Hoàng Tân đã có báo cáo lên UBND Thị xã về việc này.
“Mới đây, chúng tôi đã họp yêu cầu tạm dừng khai thác hết. UBND Thị xã cũng giao cho Văn phòng UBND Thị xã ra thông báo yêu cầu các địa phương kiểm tra, dừng mọi hoạt động khai thác trái phép. Cùng với đó, những mỏ khai thác có phép cũng phải tạm dừng hoạt động trong thời gian diễn ra lễ tết để đảm bảo vệ sinh môi trường” – ông Nguyễn Phúc Thịnhnói thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thị xã Chí Linh, thời gian qua, UBND Thị xã Chí Linh đã có văn bản giao cho các địa phương, tổ chức Nhà nước cấp nào có trách nhiệm quản lý khoáng sản chưa khai thác. Khi phát hiện có việc khai thác trái phép thì địa phương phải xử lý trước, sau đó phải có báo cáo với cấp có thẩm quyền. Nếu có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
“Có tình trạng xin khai thác nhưng cũng có tình trạng “ăn cắp” không thể kiểm soát hết được. Trên này thấy có nhu cầu chính đáng mà không cho, nay mai vỡ vùng thì ai chịu trách nhiệm. Cho thì lại lợi dụng, xin một lấy hai, chả nhẽ trên này lại cử người xuống đó để giám sát. Chúng tôi giao cho địa phương quản lý thì địa phương phải chịu trách nhiệm” – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Chí Linh – Nguyễn Phúc Thịnh cho biết.
Thiên Nga