Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Viện Thuỷ Công, đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh và một số chuyên gia, nhà khoa học.
Suối Côn Sơn có chiều dài khoảng 5km, là khe suối nằm giữa núi Ngũ Nhạc và núi Côn Sơn chảy về hồ Côn Sơn ở hạ lưu suối. Hiện nay hầu hết thời gian trong năm dòng suối khô cạn, chỉ khi vào mua mưa với những trận mưa lớn mới xuất hiện dòng chảy trên suối.
|
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc hội thảo
|
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn thuộc khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương” đã được Bộ KH&CN phê duyệt đưa vào thực hiện từ năm 2020 và giao cho Viện Thủy Công - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện. Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp về lâu dài cũng như trước mắt, đồng thời khảo sát, thiết kế kỹ thuật hệ thống tạo dòng chảy tuần hoàn trên suối Côn Sơn.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe TS Phan Trường Giang, chủ nhiệm đề tài trình bày các phương án cấp nước nhằm duy trì dòng chảy trên suối Côn Sơn. Trong đó, có phương án ban đầu được thực hiện theo yêu cầu của Bộ KH&CN, UBND tỉnh Hải Dương. Phương án này bơm nước từ hồ bán nguyệt lên bể phòng cháy chữa cháy với lưu lượng duy trì trên suối đạt tối thiểu 5 lít/giây. Nguồn nước và trạm bơm cấp nước nằm bên trong khu di tích.
|
Tiến sĩ Phan Trường Giang, chủ nhiệm đề tài trình bày các phương án |
Ban chủ nhiệm đề tài cũng xây dựng thêm 3 phương án. Phương án 1 bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể phòng cháy, chữa cháy với lưu lượng 10 lít/giây để đạt dòng chảy trên suối tối thiểu 5 lít/giây. Phương án 2 bơm nước từ hồ Côn Sơn lên bể phòng cháy, chữa cháy với lưu lượng 20 lít/giây để đạt dòng chảy khoảng 10 lít/giây. Phương án 3 bơm nước từ hồ Côn Sơn lên ao điều tiết thượng nguồn với lưu lượng 20 lít/giây để đạt được dòng chảy trên suối khoảng 20 lít/giây.
Cả 3 phương án này đều đề xuất nguồn nước và trạm bơm cấp nước nằm bên ngoài khu di tích.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương đã thảo luận, đóng góp vào việc lựa chọn các phương án. Theo các đại biểu, cả 4 phương án đều khả thi, có thể thực hiện được. Tuy nhiên, phương án ban đầu và phương án 1 có nhiều hạn chế hơn, đó là duy trì lưu lượng dòng chảy trên suối tối thiểu 5 lít/giây là quá thấp. Chiều dài duy trì dòng chảy trên suối ngắn. Việc trạm bơm đặt trong khu di tích và lấy nước từ hồ bán nguyệt như phương án ban đầu sẽ làm thay đổi cảnh quan khu di tích và nguồn cấp nước có thể không ổn định...
Trong khi đó, phương án 3 có một số hạn chế như thời gian hoàn thành đề tài phải kéo dài hơn dự kiến do phải khảo sát, thiết kế bổ sung, các thủ tục liên quan đến nguồn vốn, phê duyệt; phải sử dụng gần 10.000 m2 đất rừng để làm đường và làm ao; chưa có đường lên ao; đoạn suối 1 chưa có đường tham quan; kinh phí thực hiện lớn (trên 30 tỷ đồng) nhưng các đại biểu đều thống nhất lựa chọn phương án này.
|
Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tham gia ý kiến tại hội thảo
|
Theo các đại biểu, nếu thực hiện theo phương án này thì chỉ cần đầu tư 1 lần, máy bơm không gây tiếng ồn trong khu di tích; nguồn cấp nước ổn định; suối phần lớn duy trì được dòng chảy và ao điều tiết tạo thêm điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan trong khu di tích...
Các đại biểu cho rằng, dù chọn phương án nào cũng phải tính đến việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của khu di tích; quan tâm đến yếu tố đầu tư và bảo đảm cho hệ thống hoạt động ổn định, lâu dài. Đồng thời nêu một số vấn đề cần xem xét trong quá trình thực hiện.
PGS.TS Đỗ Minh Toàn, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỏ - địa chất đề nghị giảm bớt diện tích, tăng chiều sâu ao điều tiết nước để giúp giảm bốc hơi nước, giảm diện tích đất rừng phải sử dụng để xây dựng ao. Cần khảo sát kỹ địa chất để có phương án gia cố lòng suối phù hợp.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân phát biểu kết luận hội thảo |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định, Khu di tích Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ X, là một trong những trung tâm Phật giáo, gắn với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được Nhà nước xếp hạng là Khu di tích Quốc gia cấp đặc biệt.
Nhận thức được tầm quan trọng của di tích lịch sử văn hóa đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, nên công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo tại đền thờ Nguyễn Trãi được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm.
Trong đó, đã đặt ra nhiệm vụ duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn thuộc khu di tích đền thờ Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương, do trong 20 năm trở lại đây, nguồn nước của suối Côn Sơn đã bị suy giảm mạnh.
Qua nghe báo cáo của Đơn vị chủ trì và Ban chủ nhiệm đề tài cũng như ý kiến tham gia của các nhà khoa học và các đại biểu tham gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân cho rằng với phương án 3 là thi công xây dựng Ao điều tiết ở thượng nguồn và bơm nước từ hồ Côn Sơn lên có ưu điểm là chỉ cần đầu tư một lần; Máy bơm đặt ngoài khu di tích nên không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng không gian tôn nghiêm của di tích; Nguồn cấp nước ổn định từ hồ Côn Sơn; Ao điều tiết tạo thêm cảnh quan trong di tích. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án là việc phát sinh thêm kinh phí lớn, mất diện tích rừng tạm thời để làm đường và làm ao điều tiết, công tác thi công, vận hành, quản lý trạm bơm sẽ khó khăn hơn do vị trí đặt trạm bơm ngoài khu di tích….
Để triển khai và thực hiện phương án 3, đảm bảo tính khả thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở KH&CN, UBND thành phố Chí Linh tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí phát sinh; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích đất rừng đặc dụng dự kiến làm ao điều tiết. UBND thành phố Chí Linh nghiên cứu, có phương án xây dựng đường thăm quan qua đoạn suối I với chiều dài khoảng 420m.
>>> Mời độc giả xem thêm video Top 10 danh lam thắng cảnh đẹp nhất tại Việt Nam
Hải Ninh