Chiều con là vô tình hại con
Thời gian qua, không ít vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm, bên cạnh đó hàng loạt cơ sở chế biến các loại đồ ăn dùng bán cho trẻ em như bim bim, bánh kẹo, xúc xích bị các cơ quan chức năng phát hiện dùng thực phẩm ôi thiu để chế biến… khiến phụ huynh lo lắng, cảnh giác.
Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do khác nhau, phụ huynh vẫn trực tiếp mua đồ ăn, thức uống chưa rõ nguồn gốc ở khu vực cổng trường, hoặc cho con tiền để tự mua.
|
Tại một xe kéo hàng rong có rất nhiều loại đồ ăn vặt dành cho học sinh. |
Không thể phân biệt được một số loại đồ ăn ngoài cổng trường của con có đảm bảo hay không nhưng vẫn mua để con ăn kịp vào học buổi sáng, chị Trần Thu Huyền (đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con học tiểu học cho biết: "Buổi sáng con dậy muộn nên không kịp ăn sáng ở nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn mua bánh mì, xúc xích, thịt xiên… ở trường cho con ăn đỡ đói để vào học. Những đồ này đúng là không rõ nguồn gốc nhưng thấy nhiều người vẫn mua cho con, nên tiện thì mua luôn".
Còn chị Thanh Nga (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Vẫn biết là không tin tưởng lắm vào nguồn gốc các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, nhưng nhiều lúc con đòi nên vẫn phải chiều con mua. Thỉnh thoảng còn bắt gặp trong cặp xách của con có vỏ kẹo, bánh của nhiều loại không nhãn hiệu, thương hiệu. Thậm chí, có lúc cô giáo trả tiền học thừa, con cũng cầm đi mua đồ linh tinh ngoài cổng trường".
|
Nhiều phụ huynh trực tiếp mua đồ ăn cho con tại các hàng quán trước cổng trường. |
Cần sự chung tay để loại trừ đồ ăn bẩn
Chỉ ra thực tế hiện nay nhiều phụ huynh cũng chưa thực sự chung tay để loại trừ đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc khu vực cổng trường, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS, THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, tâm lý hiện nay của nhiều người là thích tiện lợi, không cần xác minh rõ nguồn gốc thực phẩm thế nào mà tiện cho mình, cho con là mua. Hiện nay, trước cổng các trường, nhất là trường tiểu học, số lượng hàng quán càng nhiều và đồ bán cho trẻ em hầu như không có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, kiểm định.
Cũng theo thầy Bình, các loại kẹo nhuộm phẩm màu, đường hóa học, xúc xích, nem nướng, thịt xiên đều không rõ nguồn gốc... nhưng lại rất hợp khẩu vị của các em học sinh. Một số em đòi bố mẹ mua cho, một số người cho con tiền mà không quản lý việc con mua gì, dẫn đến các em mua các đồ ăn không đảm bảo. Đặc biệt, gần đây có nhiều sản phẩm độc hại, chất gây nghiện, ma túy có trong bánh kẹo, đồ uống… và một số loại kẹo đặc biệt như có mùi thối, các em thích lạ nên mua về ăn.
|
Những quầy hàng di động xuất hiện phổ biến tại khu vực cổng các trường học tại Hà Nội. |
Chia sẻ khó khăn của trường học hiện nay trong ngăn ngừa thực phẩm mất an toàn tại khu vực cổng trường, thầy Nguyễn Quốc Bình cho hay, về phía nhà trường thường xuyên tuyên truyền, trong nội quy có yêu cầu các em không mua các đồ xung quanh trường mang vào trường ăn. Trường có căng tin phục vụ, nếu học sinh tự mang đồ ăn đến chỉ được sử dụng ở căng tin, phải là đồ được bố mẹ chuẩn bị. Trường cũng cấm học sinh mua bán qua hàng rào với bên ngoài, nhưng vẫn có những em mua ở các hàng ở khu vực cách xa cổng trường...
"Học sinh còn nhỏ, nhưng ngay cả người lớn còn chưa có kiến thức về an toàn thực phẩm, muốn tiện lợi, do bận bịu nên mua cho con hoặc khoán trắng cho con việc tự mua đồ ăn tại cổng trường. Phụ huynh hãy dừng việc mua những đồ không có nguồn gốc rõ ràng, đồ bán lẻ, bán rong. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có quy định, cách cổng trường bao nhiêu mét mới được bán hàng rong, bán đồ cho trẻ em. Những người bán hàng phải có kiểm định về nguồn gốc thực phẩm, an toàn thực phẩm" - thầy Nguyễn Quốc Bình đề xuất.
Theo Thanh Xuân/Gia đình & Xã hội