15 ngày giãn cách xã hội là thời gian để Hà Nội đánh giá tình hình dịch bệnh và chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia về dịch tễ, Hà Nội cần xét nghiệm nhanh, với số lượng nhiều để có cái nhìn chính xác mức độ dịch bệnh. Trong thời gian này, thành phố cũng cần tăng tốc tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu không được chữa trị kịp thời.
Xét nghiệm diện rộng là nhiệm vụ cấp bách
Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, đánh giá chiến lược xét nghiệm diện rộng của Hà Nội rất phù hợp với giai đoạn hiện nay khi số ca mắc phát hiện qua sàng lọc tăng nhanh mỗi ngày. Tuy nhiên, vấn đề phải phải làm sao nâng cao năng lực xét nghiệm bằng việc nhanh chóng bổ sung máy móc, sinh phẩm, đào tạo nhân lực lấy mẫu để có kết quả trong thời gian ngắn.
|
Xét nghiệm diện rộng sẽ giúp Hà Nội đánh giá được tình hình dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh. |
Theo bà Thu Anh, xét nghiệm diện rộng không chỉ giúp thành phố sớm bóc tách F0 mà còn là cơ sở quan trọng để đánh giá diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phải dựa trên nhiều dữ liệu như số ca mắc, số bệnh nhân nặng, số trường hợp tử vong, tỷ lệ nhiễm trên số xét nghiệm đã làm, ngành y tế mới đánh giá nguy cơ bùng phát dịch.
"Nếu không xét nghiệm được nhanh, được nhiều thì F0 tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Việc xét nghiệm diện rộng cần được coi là nhiệm vụ cấp bách nếu không muốn phạm phải những sai lầm như TP.HCM vừa qua", bác sĩ Thu Anh nhìn nhận.
Bên cạnh việc xét nghiệm, chuyên gia cho rằng hệ thống y tế của thành phố cũng cần sẵn sàng cho những tình huống xấu, thậm chí rất xấu nếu dịch bệnh bùng phát mạnh.
Mọi thứ phải được chuẩn bị thật sự chi tiết. Không nên để như ở TP.HCM, khi cấp bách nhập oxy về nhưng không có đủ bình, có bình rồi lại không có van.
Việc Hà Nội chuẩn bị cho kịch bản 40.000 giường điều trị người mắc Covid-19 cho thấy TP rất thận trọng và đánh giá đúng được mức độ phức tạp của đợt dịch này.
Tuy nhiên, ngoài bố trí nơi thu dung, điều trị, Hà Nội cần sớm mua sắm thêm thuốc men, máy thở, bình oxy, vật tư... một cách đồng bộ. TP cũng cần khẩn trương đào tạo đội ngũ y tế từ cấp xã, phường trong trường hợp cấp bách sẵn sàng tham gia lực lượng điều trị F0.
"Mọi thứ phải được chuẩn bị thật sự chi tiết. Không nên để như ở TP.HCM, khi cấp bách nhập oxy về nhưng không có đủ bình, có bình rồi lại không có van. Hoặc nhập máy thở về nhưng lại không có đủ vật tư tiêu hao để lắp đặt cho người bệnh", bà Thu Anh cho rằng đây là bài học Hà Nội phải lưu ý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) cho rằng đặc trưng bệnh nhân ở Hà Nội không khác biệt so với các đợt cũ khi vẫn truy được vết. Tuy nhiên, TP phải dự trù sẵn phương án bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để phòng tình huống số bệnh nhân nặng gia tăng.
Theo ông Phu, nhìn chung, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn kiểm soát được. Nhưng trước nguy cơ tiềm ẩn và biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, dịch COVID-19 tại TP còn phức tạp.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục thực hiện giãn cách để bảo vệ thành quả vừa qua. Mục đích giãn cách là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới, từ đó, truy vết, phong tỏa, ngăn vùng đỏ không lây lan, bảo vệ vùng xanh để dịch không xâm nhập.
Giảm tử vong bằng tiêm vaccine
Một mục tiêu quan trọng khác được bác sĩ Thu Anh đề cập khi nói đến công tác chống dịch ở Hà Nội là việc hạn chế số ca tử vong bằng việc tiêm vaccine.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm chủng nhưng tỷ lệ người trên 60 tuổi được tiếp cận vaccine còn thấp. Trong khi số liệu đã chứng minh ở rất nhiều quốc gia, đối tượng dễ chuyển biến nặng và tử vong nhất là người cao tuổi.
Khi TP không đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng ngay lập tức thì chiến lược quan trọng là chuyển hướng tiêm cho người cao tuổi -Bác sĩ Nguyễn Thu Anh
"Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là kiềm chế F0 và hạn chế đến mức thấp nhất ca tử vong. Như bài học tại TP.HCM, nếu hệ thống y tế quá tải, nhóm bệnh nhân chuyển nặng và tử vong thường là người cao tuổi chưa được tiêm vaccine", bà Thu Anh nói.
Có rất nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh lợi ích của việc tiêm vaccine đối với nhóm người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, nhóm người cao tuổi được tiêm vaccine cũng giúp giảm tải áp lực cho hệ thống bệnh viện nếu số ca mắc tăng nhanh.
"Khi TP không đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng ngay lập tức thì chiến lược quan trọng là chuyển hướng tiêm cho người cao tuổi. Còn đối với những nghi ngại của người dân về tác dụng phụ, chính quyền cần thông tin rõ ràng, thuyết phục để người dân hiểu, tuân thủ việc tiêm vaccine nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân", vị bác sĩ cho hay.
|
Chuyên gia cho rằng Hà Nội cần tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho người già để hạn chế tử vong. Ảnh: Duy Hiệu. |
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cho biết thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh những vaccine đã được cấp phép hiện nay rất an toàn với người cao tuổi. Các loại vaccine như Pfizer, Moderna trước khi được cấp phép sử dụng đã được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người cao tuổi tình nguyện trên thế giới.
Ông Nga nhấn mạnh tiêm vaccine cho người cao tuổi có ý nghĩa rất lớn vì họ có sức đề kháng kém hơn trường hợp trẻ tuổi, là đối tượng dễ bị tấn công bởi SARS-CoV-2 cũng như có nguy cơ cao tiến triển nặng, thậm chí tử vong.
Đó là lý do tỷ lệ nhập viện ở những người cao tuổi lớn hơn và sử dụng nguồn lực y tế cao gấp nhiều lần người trẻ tuổi.
Việc tiêm vaccine sẽ giúp người cao tuổi sẽ có tình trạng bệnh nhẹ hơn khi không may mắc COVID-19, thậm chí, họ có thể tự chữa tại nhà, không cần vào bệnh viện nếu có đủ điều kiện chăm sóc y tế. Nhờ đó, cơ hội sống sót của họ cao hơn thay vì bỏ lỡ cơ hội vàng chữa bệnh chỉ vì tâm lý lo sợ nhiễm virus.
Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.909 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến trưa 10/8 đã có 1.640 trường hợp dương tính với virus.
Trao đổi với báo chí ngày 9/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết TP đã giao đơn vị nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày; cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; công suất điều trị lên 40.000 giường và thành lập trung tâm hồi sức tích cực, phân luồng để có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch...
Trong thời gian giãn cách xã hội, Bí thư Hà Nội sẽ giao ngành y tế và địa phương đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu vaccine về đến đâu, tiêm ngay đến đó, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, an toàn.
Theo Sơn Hà/Zing