Hạn chế ghi âm tại tòa là hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân

Google News

Người dân được quyền tiếp cận thông tin từ tòa án, các phiên tòa công khai thông qua hoạt động của cơ quan báo chí; quyền này bị ảnh hưởng nếu nhà báo bị hạn chế ghi âm tại tòa.

Hôm nay (28/5), tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Dự thảo trình Quốc hội có sáu nội dung được thiết kế theo hai phương án. Trong đó, quy định về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Han che ghi am tai toa la han che quyen tiep can thong tin cua nguoi dan
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lý do trình hai phương án là vì nội dung này còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Cụ thể, phương án 1 quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa.
Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.
Phương án 2 là không quy định những nội dung tại phương án 1, việc ghi âm, ghi hình tại tòa được thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan hiện nay. 
Người dân có quyền tiếp cận thông tin qua báo chí
Về vấn đề dự thảo nêu, tôi cho rằng cần chia sẻ với tòa án về những băn khoăn, áp lực trong quá trình xét xử khi có phần bị chi phối bởi quá trình tác nghiệp của đội ngũ nhà báo; như Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói là phải đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho quá trình xét xử.
Khi đó, người làm báo trong quá trình tác nghiệp cũng cần có những ứng xử phù hợp để tạo sự hài hòa giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan báo chí.
Song những quy định về việc ghi âm tại dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng cho thấy nhiều bất cập.
Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân.
Luật Báo chí 2016 có quy định rõ nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Trong các phiên tòa hình sự công khai, các ý kiến tại tòa là công khai, để người dân được giám sát phiên tòa thông qua các cơ quan ngôn luận.
Đây là quyền tiếp cận thông tin của người dân được quy định trong Luật Tiếp cận thông tin 2016 mà quyền này có thể được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan báo chí. Điều này vừa đúng với Hiến pháp, với Luật Tiếp cận thông tin, vừa đúng với Luật Báo chí.
Nếu tòa án hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí bằng việc quy định phải xin phép nhiều tầng, cũng có nghĩa là hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND không nên làm trái các luật trước đó; không nên hạn chế, cấm đoán nhà báo ghi âm, ghi hình trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.
Ghi âm, ghi hình xuyên suốt phiên tòa là cần thiết
Liên quan đến quy định ghi âm, ghi hình tại tòa, mới đây Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XV.
Trong đó, văn bản khẳng định việc sửa đổi các khoản 3, 4, 5 Điều 141 dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần đảm bảo cho PV các cơ quan báo chí được tiếp cận (ghi âm, ghi hình) diễn biến phiên tòa từ lúc khai mạc cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Khi tác nghiệp, PV cần đảm bảo quyền nhân thân của những người tham dự phiên tòa, thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.
Ông NGUYỄN ĐỨC LỢI, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
VIẾT THỊNH ghi
Không có ghi âm, nhà báo có thể bị tội
Phải nói thêm, Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo phải có trách nhiệm thông tin trung thực, đăng tải thông tin đúng sự thật. 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được thực hiện cùng Luật Báo chí bắt đầu từ ngày 1-1-2017 cũng quy định nhà báo phải hành nghề trung thực, khách quan; không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật…
Muốn thực hiện được điều này, nhà báo phải có thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình thu thập được mà bản ghi âm chính là nguồn thông tin, chứng cứ trực tiếp.
Trong một phiên tòa với rất nhiều người tham gia tố tụng, nhà báo không thể tốc ký để ghi được hết các ý kiến tại phiên tòa, cũng không có điều kiện đưa lại bài viết cho người có liên quan để cho ý kiến. Chỉ có bản ghi âm được giữ lại, dùng để rã băng viết bài, là nguồn chứng cứ quan trọng cho bài viết của nhà báo.
Nếu không có ghi âm, nhà báo có thể phạm tội vu khống. Nếu không có ghi âm có thể dẫn đến việc nhà báo chùn tay, không dám phản ánh đúng bản chất của phiên tòa.
Do đó, rất mong dự luật được tiếp thu, điều chỉnh theo hướng không hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo và quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được quy định tại các luật hiện hành.
Trường hợp trong quá trình diễn ra phiên tòa có vấn đề phát sinh mà chủ tọa phiên tòa lưu ý các nhà báo không đưa một số thông tin cụ thể vì tính chất mật, nhạy cảm… thì nhà báo cũng phải có trách nhiệm tiếp thu, thực hiện.
Riêng về vấn đề ghi hình tại tòa, tôi cho rằng nên khuyến khích các cơ quan báo chí học tập cách làm của báo chí nước ngoài, thay hình ảnh bằng đồ họa. Chúng ta có thể vẽ lại chân dung tội phạm dựa trên hình ảnh của nhà báo đưa về cho họa sĩ thực hiện. Hiện nay, tại TP.HCM cũng đã có một số tờ báo thực hiện việc này.
Đây là yếu tố văn minh vì dù một người phạm tội có thi hành án xong thì Internet cũng sẽ mãi lưu lại hình ảnh họ trước tòa, ảnh hưởng không tốt đến bản thân và gia đình sau này.•
LÊ THOA ghi
Quy định hiện hành đã đủ đảm bảo
Ở một số nước phát triển cũng có những quy định khắt khe về việc ghi âm và ghi hình tại phiên tòa. Tuy nhiên, đối với phiên tòa ở nước ta, tôi cho rằng những quy định hiện hành đã đủ bảo đảm vừa giữ cho phiên tòa nghiêm túc vừa góp phần giúp cho PV báo chí được thực thi chức năng có ích cho xã hội và hoạt động tư pháp.
Đơn cử một ví dụ thực tế, nhờ có ghi âm nên báo chí đã mạnh dạn phản ánh (có chứng cứ) một trường hợp chính chủ nợ khai là họ đã cho vay lãi suất 10%/tháng thuộc trường hợp cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng.
Có thể thấy việc sử dụng file ghi âm của cơ quan báo chí đã được thực hiện đúng quy định - phục vụ vào việc phản ánh thông tin khách quan tại tòa. Nếu đặt ra tình huống việc ghi âm trong vụ việc trên bị hạn chế bởi hai hàng rào mà dự thảo đặt ra, xin phép nhưng không được cho phép thì liệu sự thật có được phơi bày?
Bên cạnh đó, việc dự thảo quy định chỉ được chụp ảnh phần khai mạc và tuyên án cũng là không cần thiết. Vì nếu mục đích để tránh làm những người tiến hành tố tụng phân tâm thì thực tế đã chứng minh là không cần. Bởi trong thời gian qua những vị này đã thể hiện rất tập trung vào hoạt động của mình. Mỗi người tiến hành tố tụng đều được đào tạo kỹ năng và có quá trình công tác với bề dày kinh nghiệm nên không thể bị phân tâm. Thẩm phán phải có bản lĩnh nhất định mới xét xử người khác.
Mục đích của báo chí là tuyên truyền, nếu chỉ cho chụp ảnh phần đầu và cuối thì sẽ không phản ánh trọn vẹn nội dung vụ án, làm giảm tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Luật sư NGUYỄN MINH CẢNH, nguyên Chánh án TAND quận 12, huyện Bình Chánh, TP.HCM
CHÂU YẾN ghi

Theo Trần Trọng Dũng/ PLO